Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2019

Bát chánh đạo (Magganga)

Tất cả lời dạy của Phật không ngoài cách diệt trừ tâm ô nhiểm tham ái, sân hận và si mê dựa trên Bát Chánh Ðạo. Bất cứ ai muốn tìm hạnh phúc tối thượng đều có thể sửa đổi và bước theo Con Ðường Xưa mà tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều đi qua. Ðó là con đường dẫn đến giải thoát. Một người khó giác ngộ ngay tức khắc. Tuy nhiên nếu tu tập không ngừng, người nầy sẽ tiến đến mục tiêu giác ngộ.
Nếu nước biển chỉ có một vị là vị mặn thì đạo Phật chỉ có một vị là vị giải thoát. Thực hành con đường Ðức Phật chỉ dạy, ta sẽ được tự do giải thoát. Tự do, an toàn là tiếng kèn thúc quân của Ngài.
Ta hãy nhìn người khách bộ hành đứng cạnh vực thẳm. Anh ta biết tiếp tục theo đường củ, anh sẽ rơi vào hố sâu không lối thoát. Anh ta nhận thức từ lâu nay mình đã đi lầm đường. May mắn thay! anh ta gặp được một người từ ái, chỉ anh một nơi an toàn có thể đến. Người ấy lại còn vẻ cho anh một bản đồ chỉ dẫn đường đi đến bến an toàn đó. Bây giờ, anh ta chỉ cần không do dự cất bước theo bản đồ để đi đến đích.
Cùng thế đó, chúng sanh sống theo thói quen ngày càng lúng sâu vào cõi sa bà đầy đau khổ. Khi có một ít tỉnh ngộ, phát tâm sợ khổ, ta lại ngơ ngác không biết đi theo hướng nào đến bến tự do, giải thoát. Ðức Phật đã chỉ con đường tối thượng dẫn đến sự hiểu biết chân chánh và tự do. Con đường đó là Ðạo Ðế, hay Bát Chánh Ðạo gồm tám pháp tu song hành:
1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Mạng
5. Chánh Nghiệp
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh
Tất cả lời dạy của Phật không ngoài cách diệt trừ tâm ô nhiểm tham ái, sân hận và si mê dựa trên Bát Chánh Ðạo. Bất cứ ai muốn tìm hạnh phúc tối thượng đều có thể sửa đổi và bước theo Con Ðường Xưa mà tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều đi qua. Ðó là con đường dẫn đến giải thoát. Một người khó giác ngộ ngay tức khắc. Tuy nhiên nếu tu tập không ngừng, người nầy sẽ tiến đến mục tiêu giác ngộ.
-oOo-

Chánh Kiến (Samma Ditthi)

Pháp tu đầu tiên trong Bát Chánh Ðạo là chánh kiến, sự hiểu biết chân chánh về đời sống. Chánh kiến thuộc pháp trau dồi trí tuệ.
Trên thế giới ngày nay ở phương đông cũng như phương tây, với sự tiến triển của khoa học, con người quá bận rộn trong đời sống vật chất, thường quên đi đời sống tâm linh. Các lời quảng cáo. Tuyên truyền làm đời sống của con người trở nên máy móc. Thêm vào đó, bị tiêm nhiễm bởi một số giáo điều, phim ảnh, truyền hình và truyền thanh nhồi sọ, con người không còn sáng suốt, nhìn đời với cặp mắt giành giựt chấp thủ, thù hận, ích kỷ, ganh tỵ. Con người trở thành con rối do bên ngoài điều khiển. Sự gây gổ thù oán, chiến tranh đều bắt nguồn từ sự thấy sai lầm của tham ái và sân hận. Con người cần có cái nhìn chân chánh để tâm được bình an.
Chánh Kiến là thấy sự vật đúng với thực tướng của nó, không dựa bề ngoài hay ảo tưởng. Chánh kiến là suy tư về sự tham ái của năm uẩn, thấy rỏ bản chất của nó và trực giác được nó. Ðây là phương pháp quan sát và suy luận.
Trong Bát Chánh Ðạo, chánh kiến quan trọng nhất vì sự hiểu biết chân chánh sẽ đưa tư tưởng, lời nói và hành động chân chánh. Chính nhờ chánh kiến mà chúng ta diệt trừ được ác nghiệp và tinh tấn thực hành chánh niệm.
Chánh tinh tấn và chánh niệm sẽ dẫn đến chánh định. Do đó, chánh kiến là phần chủ yếu ảnh hưởng đến các chi khác trong Bát Chánh Ðạo.
Chánh kiến phát triển qua hai cách nghe giảng giáo pháp và suy luận. Cách thứ nhất chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, có thể sánh như thức ăn tinh thần giúp ta tránh xa điều ác. Cách thứ hai thuộc về nội tâm đòi hỏi ta phải ý thức liên tục sự việc trong đời sống hằng ngày. Danh từ yoniso manasikara có nghĩa là nhận thấy sự vật thâm sâu, tường tận thay vì chỉ thấy phớt bên ngoài.
Hành giả đi tìm chân lý không thỏa mản với sự biết hời hợt. Họ nhìn thấy sự vật một cách tổng quát, rồi suy niệm thâm sâu dùng phương pháp phân tích mổ xẻ sự vật cho đến đơn vị thật nhỏ; nhờ đó, chân lý tối thượng sẽ được tỏ bày.
Giống như nhà khoa học phân tích thân thể con người gồm có tứ chi, mỗi chi có các mớ thịt, các thớ thịt có tế bào, Ðức Phật là nhà phân tích tài danh dạy ta hãy dùng chánh kiến phân tích từng phần cho đến khi thấy rỏ thực tướng của con người. Nhờ chánh kiến, ta sẽ trực nhận và hiểu rỏ lý nhân quả và pháp sanh diệt. Chân lý giáo pháp nhà Phật dựa trên sự phân tích, không thể dựa trên đức tin mù quáng hay lý luận mơ hồ.
Ðức Phật dạy “Giáo Pháp dành cho người thiện chí, không phải cho người ngu”, ý muốn nói một người không suy niệm hay thiền định quán tưởng sẽ không hiểu được giáo pháp.
Chánh kiến là hiểu về sự khổ, nguyên nhân khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ. Không hiểu Tứ Diệu Ðế thì không thể nào hiểu được thực tướng vạn pháp. Vì không hiểu biết về chân lý, con người có ý-muốn-bảo-vệ-cái-ta và tái sanh luân hồi mãi mãi. Hiểu biết về Tứ Ðế là sự thông suốt về bản chất phức tạp của đời sống. Hành giả hiểu biết hoàn toàn về Tứ Ðế được xưng tán là bậc thiện trí chứng ngộ.
“Khi Như Lai hiểu tường tận về Tứ Ðế, Như Lai tuyên bố sự chứng ngộ toàn giác”.
Có hai loại chánh kiến: thế gian và xuất thế gian. Sự hiểu biết về lý nhân quả gọi là chánh kiến thế gian pháp, vì sự hiểu biết nầy cần thiết nhưng không đủ để giác ngộ giải thoát. Sự hiểu biết giác ngộ tánh không qua thiền định gọi là sự hiểu biết xuất thế gian, dẫn đến giải thoát sanh tử luân hồi.
Vì thiếu chánh kiến, người thế gian không thấy thực tướng vạn pháp, không thấy đời sống bất toại nguyện. Ðiều nầy rất thông thường cho những ai đang sống trong đời sống thế tục, nô lệ các căn trần, chối bỏ thực tại khổ đau. Họ có biết đâu dù họ chối bỏ khổ đau, khổ đau vẫn hiện hửu trong đời sống của họ.
Thường, những người chối bỏ khổ đau tin tưởng họ có thể tìm hạnh phúc trong đời sống vô thường. Họ tự tin có thể tạo tương lai vững chắc trong một đời sống không chắc chắn, nên họ luôn cố gắng bồi đấp cho đời sống vật chất khá hơn. Lòng tự tin nầy bắt nguồn từ một cái ngã (ego) lớn lao, tự cho rằng mình giỏi hơn người nên có thể làm những việc người coi là khó, ngay cả việc “không chấp nhận đau khổ”. Trên thực tế, dường như càng tranh đấu, họ càng bất toại nguyện, không tìm được hạnh phúc thật sự. Rồi họ trở nên bực bội khó chịu với tất cả mọi người và các hoàn cảnh chung quanh. Người có con mắt trí tuệ sẽ thấy rỏ bản chất đời sống là bất toại nguyện. Ðó là lối nhìn thực tế, không bi quan yếm thế như một số người thiếu hiểu biết thường ngộ nhận.
Theo kinh Sammaditthi Sutta, bài kinh số chín trong Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), chánh kiến gồm có bốn:
Chánh kiến về lý nhân quả;
Chánh kiến về Tứ Diệu Ðế;
Chánh kiến về pháp nuôi dưởng;
Chánh kiến về lý sanh diệt
Chánh kiến về lý nhân quả liên hệ đến sự hiểu biết về thập thiện và thập ác. Thập thiện dẫn đến hạnh phúc. Thập ác dẫn đến đau khổ.
Ðức Phật dạy “cái gì có tác ý là nghiệp”. Sự hiểu biết lý nhân quả giúp hành giả không làm ác và làm điều thiện. Hành giả ý thức hành động thiện hay ác sẽ ảnh hưởng đến đời sống chính mình. Hành giả ý thức sự khác biệt trong đời sống con người trên cõi sa bà do nghiệp tốt hay xấu do con người tạo ra. Chính sự hiểu biết chân chánh nầy dẫn đến sự chấp nhận mọi hoàn cảnh, sự chứng ngộ về đời sống có điều kiện và sự chứng ngộ Tứ Diệu Ðế.
Phật dạy: “Nầy chư vị! năm uẩn vô thường, cái gì vô thường là đau khổ. Ðó là cái nhìn chân chính đúng với thực tướng. Người có trí tuệ nhìn sự vật như thị. Tâm họ không bị ô nhiễm bởi ái dục. Họ hoàn toàn giải thoát”. Khi vô minh chấm dứt, trí tuệ phát sanh, tham ái không còn; tất nhiên không còn ý-muốn-tái-sanh, sanh tử chấm dứt.
Chánh kiến về Tứ Diệu Ðế là sự hiểu biết về năm uẩn. Qua sự suy niệm, quán chiếu, người thấy được các uẩn vô thường, khổ nảo, vô ngã là người có chánh kiến.
Không những năm uẩn vô thường, bất toại nguyện và vô ngã, các nhân và điều kiện gây ra năm uẩn cũng vô thường, bất toại nguyện và vô ngả. Phật dạy “sắc, thọ, tưởng, hành, thức, vô thường; tất cả những gì sanh ra sắc, thọ, tưởng, hành thức đều vô thường”.
Thường, chúng ta không thấy thực tướng sự vật vì chúng ta quen sống theo thế tục quy ước, tham ái, sân hận, thích hay không thích, chúng ta chạy theo ảo tưởng. Các giác quan sẽ làm chúng ta mờ tối, không thấy sự vật đúng với thực tướng của nó. Do đó, chúng ta có cái nhìn sai lầm, thấy thường còn trong vô thường, thấy hạnh phúc trong đau khổ, thấy cái ngã trong vô ngả, thấy cái đẹp trong cái xấu. Bắt đầu từ cái nhìn và hiểu biết sai lầm, ta suy nghỉ và hành động sai lầm.
Ðiểm bắt đầu tranh chấp trong đời sống thường là một người không đủ dử kiện để hiểu biết sự việc, áp đặt cái nhìn và ý muốn riêng của mình vào sự việc ấy. Rồi người đó suy bụng ta ra bụng người, nổi cơn sân hận, buông lời chỉ trích, kết tội, thóa mạ người khác. Người ấy bắt đầu tạo phiền não cho mình và cho người. Người bị chỉ trích có hai cách phản ứng. Thông thường, thiếu bình tỉnh và thiếu chánh kiến, người ấy sẽ trả đủa lại, lời qua tiếng lại, sân hận gặp sân hận. Cuối cùng, phiền não thù hận tiếp diển và hai bên vẫn không có được sự hiểu biết rỏ ràng về sự việc hiểu lầm đầu tiên. Cách phản ứng thứ hai là người có chánh kiến sẽ nhận thức người kia chỉ trích mình sai lầm vì người ấy sống trong ngu muội thiếu hiểu biết. Nhìn biết như vậy, người nầy sẽ để mọi việc hiểu lầm trôi qua không vướng mắc, như gió bay qua màn lưới. Ngọn lửa sân hận đầu tiên bắn ra nhưng không trúng được mục tiêu sẽ chóng tàn, không gây hại đến người khác. Chánh kiến là diệt trừ các ảo tưởng và nhận chân thật tướng mọi việc. Ðiều nầy chỉ xảy ra khi trí tuệ phát sanh như mây mù bay đi để lộ trăng rằm.
Một chúng sanh không phải là cái gì bất động mà chính là sự thay đổi không ngừng và liên tục. Sự thay đổi của tổng số các uẩn nhanh chóng đến độ làm cho ta có cảm tưởng thân-tâm không thay đổi. Ta không thấy sự sanh diệt của các uẩn. Người chánh kiến là người hiểu không có một cái ngã hay một linh hồn thường còn bất biến mà tất cả do duyên hợp, thay đổi không ngừng.
Khi một người chưa thấy sự vật duyên hợp thay đổi, không thể hiểu được pháp Vô Ngã. Vì thế, nhiều người thắc mắc: “nếu không có linh hồn thì cái gì nhận lấy quả do nghiệp đã gieo? cái gì đi tái sanh?”. “Nếu sắc, thọ, tưởng, hành, thức không phải tôi, vậy cái tôi nào nhận lãnh quả đã gieo?”.
Ðức Phật giảng: “Thật sai lầm khi nói có người gieo nhân và người gặt lấy quả. Ðời sống là một chuổi tiến trình của tâm và vật lý. Ðó là sự liên tục của kinh nghiệm không dứt đoạn. Ðó chỉ là một chuổi tiến trình thân-tâm. Không có một người mà chỉ có sự thấy, sự cảm v.v. Ðó là vô ngã, đó là tánh không. Ði tìm một cái ngã, một linh hồn thường còn bất biến, là không có chánh kiến. Ðây là điểm đặc biệt chỉ có trong đạo Phật.
-oOo-
 Chánh Tư Duy (Samma Samkappa)
Chánh tư duy là sự suy nghĩ, là tư tưởng chân chánh phát sinh từ sự biết chân chánh. Chánh tư duy là kết quả do chánh kiến mang lại. Tư tưởng chân chánh sẽ ảnh hưởng đến lời nói và hành động chân chánh. Chánh tư duy là pháp tu thứ hai trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm trí tuệ.
Hai câu kệ đầu trong kinh Pháp Cú dạy:
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiểm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo
Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
Như bóng không rời hình
Lời dạy nầy nhấn mạnh tư tưởng ảnh hưởng lời nói và hành động. Mỗi tư tưởng ô nhiểm sẽ làm ta đau khổ. Lời nói hay hành động ác là sự diễn dịch sai lầm của tư tưởng. Nếu con người có tâm trong sạch hạnh phúc do tâm mang đến sẽ theo sau.
Cái gì là tư tưởng chân chánh, chánh tư duy? Ðó là ý muốn khước từ, tư tưởng thiện và lòng từ-bi, tâm bồ đề, dẫn đến Niết Bàn. Nghịch lại là tham ái, tư tưởng ác và ý muốn tổn hại chúng sanh dẫn đến đau khổ.
Ảo tưởng hay vô minh chỉ có thể diệt trừ qua chánh kiến. Tham ái và sân hận chỉ có thể diệt trừ qua chánh tư duy. Vì thế muốn diệt trừ tham-sân-si, ta phải có chánh kiến và chánh tư duy. Một người để tham ái và sân hận làm chủ, không kiểm soát, không thể nào có cái nhìn rõ ràng. Cố gắng kiểm soát tâm tham ái, sân hận và thay thế bằng tâm khước từ và tâm bồ đề từ ái, người nầy sẽ dần dần sáng suốt phân biệt được ảo tưởng và chân lý. Chánh kiến và chánh tư duy được sự hổ trợ và bổ túc bởi các chi còn lại trong Bát Chánh Ðạo.
Diệt trừ tư tưởng ái dục hay sân hận không có nghĩa chận đứng tư tưởng phát sanh, mà phải dùng ý chí và tinh tấn trực nhận lấy nó, tìm hiểu tư tưởng ái dục hiện ra thế nào? chấm dứt thế nào? bản chất của nó ra sao?
Có người nghĩ ái dục là hiện tượng tự nhiên không nên kềm chế; người khác nghĩ ta nên đè nén nó. Thực ra, tham ái hay ái dục chỉ là tư tưởng. Trước khi đè nén hay buông thả, ta nên nhìn thẳng vào nó để thấy đâu là nguyên nhân của tư tưởng nầy. Khi giác quan (căn) đụng với sự vật bên ngoài (trần), thọ phát sanh; nếu thọ đau khổ khởi lên, nó trở thành nguyên nhân của sân hận, ghét bỏ. Nếu thọ khoái lạc khởi lên, nó trở thành nguyên nhân của ái dục.
Quả thật, khi sự vật kích thích các giác quan, các tư tưởng tham ái, sân hận phát sanh do ảo tưởng gây ra. Khi một người bị ảo tưởng chế ngự, thọ phát sanh, người nầy sẽ bám víu vào sự vật bên ngoài hoặc chối bỏ nó. Ðời sống con người luôn luôn bị hai lực hấp dẫn hay chối bỏchi phối. Khi nào con người còn bị hai lực nầy chi phối, khi đó, các điều kiện thăng trầm sẽ tiếp tục chế ngự ta. Ngược lại, khi kiểm soát được hai lực nầy, ta sẽ không còn chịu ảnh hưởng của các điều kiện thăng trầm.
Giáo lý nhà Phật rất quy củ. Ðức Phật tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà thuyết pháp. Khi thì ngài giảng về bố thí, khi thì giới luật, khi thì đời sống hạnh phúc trên cõi trời. Cho một người có căn tánh khá, Ðức Phật giảng về Tứ Ðế. Ðúng vậy! một người chỉ hiểu được Tứ Ðế khi họ có ý muốn từ bỏ tư tưởng ái dục. Khi có được tư tưởng chân chánh nầy, họ thấy được chân lý và có chánh kiến. Vì vậy, chánh tư duy và chánh kiến liên hệ chặc chẻ với nhau đưa đến trí tuệ.
Khước Từ
Ðặc tánh đầu tiên của chánh tư duy là tâm khước từ, từ bỏ nô lệ các giác quan và đời sống thế tục lợi dưởng. Khước từ là ý chí hy sinh, thúc dục hành động để tiến đến quả lành diệt trừ tham ái.
Vui hạnh xuất gia khó
Tại gia sinh hoạt khó
Sống bạn không đồng khổ
Trôi lăn luân hồi khổ
Vậy chớ sống luân hồi
Chớ chạy theo đau khổ
Từ bỏ đời sống lợi dưỡng không phải dể. Ðức Phật không chờ mong tất cả đệ tử trở thành khổ hạnh tăng. Ðức Phật dạy đời sống xuất gia dể tu tập hơn đời sống cư sĩ bận bịu gia đình. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh dù tu sĩ hay cư sĩ, cả hai đều phải bắt đầu bằng tâm khước từ, cất bước đi trên cùng một con đường giới-định-tuệ, mới đến bờ giải thoát.
Vì tu sĩ chân chánh từ bỏ đời sống lợi dưởng, sống đời nghèo khó, độc thân, phục vụ chúng sanh vị kỷ và đạt tới giải thoát, thật là một phước lành cho xã hội và nhân loại.
Như ong chỉ lấy nhụy
Không hại hương sắc hoa
Cũng vậy vị sa môn
Ra vào giữa thôn làng.
Có hai hạng tu sĩ: Có vị chọn con đường thiền định liên tục, không ngừng nghĩ (vipassana dhura). Chư vị nầy sẽ rút vào nơi thanh vắng một mình thiền định, quán chiếu cho đến khi giác ngộ. Có hạng tu sĩ chọn đường phục vụ, vừa thiền định, vừa giảng dạy giáo pháp (gantha dhura).
Theo đạo Phật, chúng ta hoàn toàn tự do chọn đời sống xuất gia hay cư sĩ. Nếu đời sống xuất gia khó khăn, ta có thể hoàn tục mà không bị mặc cảm tội lổi.
Ðức Phật dạy: “Nầy chư vị! có hai hạnh phúc: đời sống cư sĩ và đời sống tu sĩ”.
Tuy đời sống tu sĩ cao thượng hơn đời sống cư sĩ, ta đừng nghĩ chỉ tu sĩ mới có tâm khước từ, thực hành giáo pháp. Bát Chánh Ðạo là con đường chung cho tất cả mọi người. Thật khó cho người cư sĩ sống đời đạo hạnh khi còn mang trách nhiệm gia đình. Tuy nhiên, khó không có nghĩa không làm được. Có lắm bậc cư sĩ sống trong xã hội mà không luyến ái, không bám víu vào xã hội, không nô lệ vào vật chất. Người nầy sống tri túc, thu thúc lục căn, khước từ đời sống lợi dưỡng, chuyên tâm thực hành đạo pháp. Sự khước từ tùy thuộc vào nội tâm và lối sống của hành giả dù người đó là tu sĩ hay cư sĩ.
Một cư sĩ xuất gia mà sống đời không chân chánh, thân tâm loạn động, dầu sống trong rừng sâu cũng không đi đến giải thoát. Tốt hơn họ nên từ bỏ lối sống nầy, vừa phí thời giờ vừa gây ác nghiệp. Ngược lại, một người cư sĩ sống giữa chợ, thân-tâm an nhiên tự tại, đời sống nầy cao thượng, đáng quý hơn trăm lần người tu sĩ xuất gia không chân chánh.
Ngày nọ, đại đức Meghiya thấy một vườn xoài cạnh bờ sông rất thanh tịnh, xin Ðức Phật cho ngài đến nơi có thiền định. Ðức Phật từ chối ba lần nhưng sau cùng, ngài cho phép đại đức đi. Khi thiền định, đại đức nhận thấy dầu ở nơi thanh vắng, tâm sân hận, tham ái của ngài vẫn phát sanh. Ngài trở lại bạch với Ðức Thế Tôn và được Phật dạy: “Nầy Meghiya! năm điều kiện sau đây rất cần thiết cho những người căn tánh yếu kém: thiện hửu, giới luật, nghe pháp, tinh tấn diệt trừ tư tưởng ác, phát sanh tư tưởng thiện và có trí tuệ thấy sanh diệt”.
Ðức Phật giảng nhiều lần về sự nguy hại của ái dục. Ngài thường đưa thí dụ ái dục như xác chết, cỏ khô, nhà cháy, đầu rắn. Ái dục dẫn đến sự bất toại nguyện, đau khổ. Sự nguy hại của ái dục vô cùng tận.
Phật dạy: “Sự khoái lạc của các căn không thật và vô thường. Những người thích đời sống vật chất không thích lời khuyên nhủ khước từ của ta. Người có trí tuệ thấy đây là sự thật. Khước từ là tiến bước trên con đường diệt trừ khổ não”.
Tâm Từ
Người có tư tưởng chân chánh sẽ có lòng từ và lòng bi. Ðây là hai đức tính đặc biệt của Tứ Vô Lượng Tâm. Hai đức tính nầy sẽ diệt trừ tánh ích kỷ và tăng trưởng lòng vị tha. Tâm nầy gọi là vô lượng vì không giới hạn chủng tộc, tôn giáo hay mầu da. Tâm nầy mang lại an lành cho tất cả chúng sanh. Hai tâm nầy cần phải trau dồi và thiền định sẽ dẫn đến quả thiền cao thượng. Ðức Phật dạy ngài Rahula: “Nầy Rahula! Con hãy trau dồi lòng từ để diệt trừ tư tưởng ác. Con hãy trau dồi lòng bi để diệt trừ tâm sân.” Lòng từ bi nghịch nghĩa với tâm ác và tâm sân hận.
Sân hận phát sanh từ căn và trần. Khi các giác quan mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, ý ghi nhận thấy một đối tượng, ta khởi niệm ham thích hay ghét bỏ. Ðó là ái dục hay tham ái. Nếu ta thấy đối tượng ham thích, nhưng đối tượng không cùng một ý niệm, hay ta không nắm giử được đối tượng, đau khổ hay sân hận sẽ phát sanh.
Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm niệm tà
Gây ác cho tự thân
Kẻ thù gây khổ cho ta là tham ái, dục vọng. Muốn tâm an định chân chánh, ta cần phải kiểm soát, không để tâm nô lệ ái dục sắc trần.
Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Không bằng tự thắng mình
Thật chiến thắng tối thượng
Tham ái đưa đến sân hận khổ nảo. Ðối đầu với sân hận là tâm từ.
Tâm từ là ước muốn chúng sanh được an vui và hạnh phúc. Ta cần hiểu sự khác biệt giữa tình thương vị kỷ (tham ái) và lòng từ vị tha:
Tình ái sinh ưu tư
Tình ái sinh sợ hãi
Ai giải thoát tình ái
Không ưu, không sợ hãi.
Khi thương yêu luyến ái một người mà phải xa lìa người đó, tự nhiên ta sẽ đau khổ. Khổ đế dạy: “gần người ghét là khổ, xa người thương là khổ”. Lòng từ là tình thương cao thượng không tham ái, không vị kỷ. Lòng từ khiến ta có lòng thương vô hạn đối với người, dù thân thuộc hay xa lạ. Khác với tình thương luyến ái, sự sanh tử chia ly không tạo khổ não cho người có lòng từ. Vì lý do đó, ta cần thực tập để phát sinh tình thương không tham ái.
Ðức Phật dạy: “Người thực hành lòng từ không có ác mộng, các vị trời bảo vệ họ, người nầy không bị người giết hại. Nếu người nầy không đắc đạo quả, cũng sẽ tái sanh vào cõi trời”.
Mỗi khi gặp đệ tử, Ðức Phật thường thăm hỏi: “Các con có khỏe không? Thức ăn có đầy đủ không? Các con có sống hòa thuận với nhau như sửa và nước hay không?”.
Ðức Phật là hiện thân của lòng từ. Ngài không bao giờ nóng giận hay có lời dử kể cả đối với kẻ chống đối với ngài. Ðức Phật không bao giờ xem họ là kẻ thù. Khi tranh luận Phật Pháp cùng với ngoại đạo, ngài không bao giờ mất kiên nhẫn.
Ðức Phật đã dùng lòng từ để cảm hóa kẻ cướp Angulimala và ngạ quỉ Alavaka.
Hận thù diệt hận thù
Ðời nầy không thể có
Từ bi diệt hận thù
Là định luật thiên thu.
Một ngày nọ, Ðức Phật đến thành Rajagaha, một người cuồng tín chưởi mắng ngài. Ngài Ananda thỉnh Phật đi nơi khác. Ðức Phật trả lời “nếu ta đi nơi khác lại có kẻ phỉ báng, ta sẽ đi đâu? Nầy Ananda! Ta hãy nhận chịu cho đến khi phỉ báng chấm dứt như voi giữa trận.”
Ta như voi giữa trận
Hứng chịu cung tên bắn
Nhận chịu mọi phỉ báng
Ðời nhiều kẻ phá giới
Tâm Bi
Ðặc điểm thứ ba của chánh tư duy là lòng bi. Ðặc tính của lòng bi là tâm rung động trước sự khổ của chúng sanh, luôn luôn muốn cứu giúp người khác thoát khổ, đến nơi chốn an lành. Ðức Phật là tấm gương đại bi sáng chói. Lòng bi là nền tảng chung của giới đức. Tâm bồ đề cũng như tất cả bồ tát giới đều dựa trên lòng bi.
Ta đứng lầm lẫn lòng bi với sự bi ai sầu não. Khi ta khóc vì thua lỗ mất mát tài sản, hay vì chia lìa người thân, đó không phải là lòng bi mẫn đối với chúng sanh. Hãy can đảm nhìn nhận đây là khổ não do lòng luyến ái mang đến. Ta khóc vì mất đi hạnh phúc cá nhân, vì hối tiếc quá khứ, vì không thay đổi được định luật vô thường. Ta đang kinh nghiệm những khổ não do ái dục tham ái mang đến.
Ngược lại, khi ta nhìn cảnh thiên hạ đói khát, chết chóc, thấy người bị hành hạ, tù đày, ta động lòng cảm xúc, chảy nước mắt, muốn ra tay cứu với để người bớt khổ đau. Ðó là lòng bi.
Cùng thế đó, khi ta cứu giúp người khác để đổi lấy tiếng tăm hay tài lộc, đó không phải tâm bi vì hành động phát sanh từ tham ái tiếng tăm hay tài lộc.
Khi cứu giúp người, ta không nên nghĩ đến kết quả tốt của hành động sẽ trở lại ta, vì tư tưởng nầy sẽ làm tăng thêm lòng tham ái của ta như đổ dầu vào lửa. Ta chỉ cần thấy có người đói, ta bố thí lương thực, người nầy hết đói và vui vẻ, ta sẽ phát tâm hỷ, thấy hạnh phúc và an lạc.
Lòng từ bi không chỉ giới hạn giữa con người, mà bao gồm tất cả chúng sanh. Tất cả hành động với tâm vị tha, với lòng từ ái là từ bi.
Khi giới của Ðức Phật là từ bi và chân lý. Ngài đã chế ngự voi dử Nalagiri, kẻ giết người Angulimala bằng tâm từ bi. Vào thế kỷ thứ ba trước tây lịch, chính đặc điểm từ bi của đạo Phật đã làm vua A Dục mềm lòng. Trước khi trở thành phật tử, vua A Dục là vị vua háo chiến. Về sau, khi hiểu được giáo lý từ bi của nhà Phật, ngài từ bỏ chiến tranh và đi vào đường chân chánh. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến ánh sáng từ bi của đạo pháp để xoa dịu lòng sân hận và nỗi thống khổ trên thế gian.

Chánh Ngữ (Samma Vacca)

Chánh ngữ hay lời nói chân chánh là pháp tu thứ ba trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới luật. Trước khi bàn về chánh ngữ, tưởng cũng nên bàn chung về giới luật trong đạo phật.
Tất cả tôn giáo và triết học đều ít nhiều dạy con người cách sống đạo đức trong xã hội. Tuy vậy, điều gì đúng cho người nầy không nhất thiết đúng cho người kia. Hành động đúng sai hay sai tùy theo mỗi chủng tộc trên thế giới. Do đó, giới đức có thể không giống nhau.
Giới luật Phật Giáo rất nhiều nhưng mục đích chỉ có một. Ðó là kiểm soát thân và khẩu. Giới luật Ðức Phật ban truyền vừa nhắm vào đời sống đạo đức vừa có tính cách hổ trợ cho sự chứng ngộ giải thoát. Ðức Phật dạy chúng ta làm điều thiện, xa rời việc ác vì tâm động không dẫn đến giải thoát. Tâm định mới dẫn đến chánh kiến. Giới luật có công năng kiểm soát thân-khẩu, là phương tiện giúp ta định tâm dễ dàng. Tâm định sẽ giúp sự quán chiếu đạt tới trí tuệ bát nhã, là mục tiêu tối hậu của Phật Giáo.
Mục tiêu giải thoát tối hậu không thể đạt được trong khoảnh khắc. Sự giác ngộ giải thoát đòi hỏi huân tập lâu ngày và tiến bộ từng giai đoạn. Tiến trình tu chứng là tiến trình từng bước một. Tâm không thể sáng suốt an định nếu hành động, lời nói, tư tưởng đầy ô nhiễm. Vì thế, điểm bắt đầu trong tiến trình tu chứng là giử giới trong sạch trước khi bước vào con đường thiền định và trí tuệ.
Phật dạy người muốn tu hãy giử giới, luôn tỉnh thức xem xét lời nói và sáu căn của mình vì đây là nơi ô nhiễm, tham ái phát sanh. Nhìn thấy sắc tướng, nghe âm thanh v.v. người nầy sẽ không để tâm rung động hấp dẫn hay ghét bỏ mà luôn ghi nhận một cách khách quan, quân bình. Trong công cuộc mưu sinh, người giử giới tránh các nghề nghiệp làm tổn hại đến sanh linh. Sống trong chánh niệm, người giử giới biết tri túc, ăn xài vừa đủ, không phải để chưng diện tấm thân mà để nuôi dưởng và dùng tấm thân nầy để phục vụ chúng sanh.
Người giới hạnh có thể thiền định không ngừng nghỉ, dần dần sẽ vượt qua các chướng ngại và phát triển trí tuệ, quán chiếu sự vật và thấy ba đặc tướng vô thường, khổ não và vô ngã. Phật dạy ngài Mogharaja: “Hãy giử chánh niệm, nhìn thế giới nầy là tánh không, hãy từ bỏ cái ta, người nầy sẽ chiến thắng ma vương”. Khi hành giả trau dồi trí tuệ, người nầy sẽ có cái nhìn chân chánh, nhận thức “cái nầy không đáng cho ta ham thích”. Phật dạy: “Cái gì không phải là mình hay của mình, chúng ta hãy bỏ qua. Thân không phải ta, ta nên bỏ qua, không nên bám víu vào thân. Thọ không phải ta, ta nên bỏ qua, không nên bám víu vào thọ v.v.”. Tất cả những thiền định hay quán niệm kể trên, ta không thể thực hiện nếu không có căn bản giới luật trong sạch.
Nên nhớ giới luật nhà Phật không phải giáo điều cũng không phải tội cấm. Giới luật là phương pháp sống mà Ðức Phật đã từ bi chỉ dạy cho những người muốn thanh lọc thân-tâm, tránh tạo ác nghiệp cho mình. Có người cho giới luật Ðức Phật ra đã lỗi thời. Có người muốn được đặc ân của đời sống tu sĩ mà không muốn giử giới nên họ tự ý sửa đổi giới luật. Có người luận bàn giới nầy tiêu cực, giới kia tích cực, tự ý chế giảm v.v. Những việc làm nầy vô bổ, chỉ chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về giới luật.
Năm giới căn bản (Ngũ Giới – Panca Sila) là bài học vở lòng trong đạo Phật.
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không dùng các chất sai.
Một người muốn trở nên người phật tử phải thọ Tam Quy và Ngũ Giới. Ðây là các giới mà ta nên thực hành hằng ngày và suốt đời. Phật giáo không bắc buộc ai tuân theo, nhưng người muốn có đời sống thánh thiện cần phải nghiêm trì giới luật.
Ðức Phật không phải thần linh thưởng phạt, bắt buộc phật tử giử giới. Chính ta chịu trách nhiệm quả do nghiệp của mình gây ra. Khi phạm giới, người phật tử không nên mặc cảm tội lỗi. Chỉ nên nhận thức sự yếu kém nhất thời của mình và quyết định không tái phạm. Hành giả tu Phật ý thức không phạm giới, họ sẽ kiểm soát được thân-khẩu, họ đang bước trên con đường thanh tịnh và hạnh phúc. Giử giới trong sạch là khi giới làm yếu dần tam độc, tham-sân-si. Thí dụ, giới thứ nhất không sát sanh chế ngự sân hận; giới thứ ba không tà dâm chế ngự ái dục; giới thứ hai không trộm cắp và giới thứ tư không nói dối chế ngự tham ái và sân hận; giới thứ năm chế ngự ái dục. Cả năm giới điều liên hệ với ảo tưởng nhất là giới thứ năm không dùng chất say. Có người luận uống rượu chút đỉnh không sao. Thật ra, khi một người dùng các chất say, tâm trí dể mê mờ, thấy sự vật sai lầm, người ấy thường gây nghiệp ác.
Mười giới sa di gồm có năm giới căn bản cộng thêm năm giới:
6. Không ăn phí thời
7. Không nghe đàn nhạc múa hát
8. Không điểm trang, đeo bông hoa, nữ trang
9. Không nằm giường cao
10. Không thọ lãnh vòng vàng, tiền bạc.
Hàng cư sĩ tập hạnh trong sạch thọ bát quan trai trong 24 giờ sẽ giử tám giới:
1. Không sát sanh
2. Không trộm cắp
3. Không tà dâm
4. Không nói dối
5. Không dùng các chất sai
6. Không ăn phí thời
7. Không nghe đàn nhạc múa hát
8. Không nằm giường cao
Vì các giới nhà Phật thường bắt đầu trình bày dưới hình thức “không làm điều ác”, một số người thiếu hiểu biết hấp tấp cho giới luật nhà Phật tiêu cực. Ðức Phật dạy: “không sát sanh, hãy từ ái cứu giúp chúng sanh. Không trộm cắp, hãy bố thí cho chúng sanh. Không nói lời sân hận, hãy hiền hòa xoa dịu nỗi khổ chúng sanh”. Không có giới nào trong nhà Phật gọi là tiêu cực vì định nghĩa của giới là tích cực sửa đổi.
Một người quan niệm “không trộm cắp” là giới tiêu cực, bố thí là giới tích cực. Người nầy chuyên cần bố thí mà không giử giới “không trộm cắp”. Ðiều nầy có thể được không? Một người hành bố thí mà trộm cắp thật không hiểu gì về lý nghiệp báu vì không có luật bù trừ trong giáo lý nhân quả.
Ta phải dọn dẹp cỏ hoang trước, sau đó bỏ phân bón để trồng trọt. Cùng thế đó, theo đạo Phật ,một người phải thanh lọc thân-khẩu, sau đó, làm điều lành. Phật dạy:
Không làm ác
Phát triển điều lành
Giử tâm ý trong sạch
Ðó là lời Phật dạy
Muốn làm điều lành, trước hết phải chấm dứt điều ác. Người thực hành hai điều trên sẽ định tâm dể dàng. Người không nghiêm trì giới luật không thể nào hành thiền thành công.
Chánh Ngữ
Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Lời nói là một khả năng tuyệt diệu của con người để diễn tả tư tưởng. Lời nói dịu dàng từ ái mang đến hạnh phúc cho thế gian. Ngược lại, lời nói ác độc, có khả năng tạo ra thù hận, chiến tranh, tranh chấp, gây hại không kể xiết. Phật dạy: “Nầy chư vị tỳ khưu! người nói nhiều có năm điều tai hại: nói láo, nói đâm thọc, nói lời dử, nói lời vô bổ và tái sanh về cảnh xấu”.
Các giới thuộc về chánh ngữ gồm có bốn:
1. Không nói dối;
2. Không nói đâm thọc;
3. Không nói lời ác độc;
4. Không nói lời vô bổ.
Ðức Phật nhiều lần nhấn mạnh về sự quan trọng của lời nói chân thật. Từ trẻ thơ cho đến lớn, ta quen tánh nói dối, không nghĩ đến sự tai hại của lời nói không chân thật. Trong Kinh Từ Bi, Ðức Phật đặt tánh chân thật lên hàng đầu các đức tánh cao thượng. Lúc Rahula 7 tuổi vừa mới xuất gia. Ðức Phật dùng chậu nước rửa chân để ví dụ, giảng dạy cho Rahula hiểu người không ghê sợ nói dối thật nhỏ nhoi, ít oi, đáng đổ đi như nước dơ trong chậu. Người nói dối sẽ không biết ghê sợ tội lỗi nào. Ðức Phật nhắc nhở không bao giờ nói lời không chân thật dầu đó là lời nói đùa.
Nói lời đâm thọc là lỗi thứ hai. Danh từ Nam Phạn pisunavaca nghĩa đen là lời nói chia rẽ, gây nghi kỵ. Nói lời dèm xiểm hại đến thanh danh kẻ khác là một lỗi nặng vừa không chân thật, vừa có ý hại người.
Lỗi thứ ba là nói lời ác độc. Lời nói có thể mang lại hạnh phúc hay đau khổ, được hay mất, danh thơm hay tiếng xấu, khen hay chê. Một lời từ ái có thể làm mềm lòng những con tim chai đá. Hãy suy nghĩ chính chắn trước khi buông ra lời nói ác, tạo khổ não cho người, vì lời nói thốt ra không bao giờ rút lại được.
Lỗi thứ tư là nói lời vô bổ, không ích lợi cho bất cứ ai. Phật dạy: “Nầy tỳ khưu! chư tăng ni chỉ có hai điều để nói khi ngồi lại với nhau: nói về giáo pháp hay im lặng”. Theo Phạn ngử, chử “mâu ni (muni)” cũng có nghĩa là im lặng. Ta không thường nghe câu “im lặng là vàng, lời nói là bạc” hay sao?
Tóm lại, chánh ngữ là: nói chánh pháp, nói lời an lành và lời nói chân thật, nói lời không làm người khác đau khổ. Chân lý là lời nói bất tử. Lời Phật là chân lý dẫn đến Niết Bàn, chấm dứt sanh tử.
-oOo-

Chánh Nghiệp (Samma Kammanta)

Chánh nghiệp là hành động chân chánh nhằm gây ra quả lành, không tạo nghiệp ác. Chánh nghiệp là pháp tu thứ tư trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới đức nhằm kiểm soát thân. Hành động có tác ý là nghiệp, sẽ sanh ra quả báu ví như bánh xe lăn theo dấu chân con bò. Người giàu kẻ nghèo, người mạnh kẻ yếu; tất cả do nghiệp của ta gây ra.
Chánh nghiệp gồm có ba: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, vì lòng từ bi không tổn hại sinh mạng, không lấy của người và giử đời sống trong sạch. Người sống với chánh nghiệp vừa rèn luyện đức hạnh chính mình, vừa tạo hòa bình, an vui cho kẻ khác. Người có chánh nghiệp là người sống trong bình an, không lo sợ. Người có chánh nghiệp là người có tâm từ bi. Người không có lòng từ bi, khó nghiêm trì giới luật vì bị tâm tham-sân-si lôi cuốn. Ngược lại, một người đã thấm nhuần từ bi không thể có hành động nào tổn hại đến chúng sanh.
Muốn giử giới trong sạch, ta phải tập theo dõi, kiểm soát tâm. Tâm không uốn nắn thật có đủ cách xúi dục thân và khẩu tạo hành động bất thiện đưa đến nghiệp quả ác. Chánh nghiệp không phải là đức tánh tự nhiên của một người. Ngược lại, người giử giới là một vị đã bỏ nhiều thời giờ, công sức tinh tấn trong việc rèn luyện tâm, suy niệm, luôn tỉnh thức, cảnh giác và thiền định. Phương pháp trau dồi chánh nghiệp là thu thúc lục căn. Một người chạy theo dục vọng, không thể giử giới, không thể kiểm soát tâm. Chưa thực hành được bước vở lòng, người ấy không thể học hỏi tu hành gì được. Ngược lại, một người đã được cha mẹ dạy giử giới trong sạch từ nhỏ, người ấy quen thuộc sống trong giới hạnh một cách tự nhiên dể dàng.
Nên nhớ, giử giới trong sạch hoàn toàn tùy thuộc vào quyết tâm từng cá nhân. Ðức Phật, thầy tổ khuyên răn nhưng không ai bắt buộc ta giử giới được. Vào thời Ðức Phật còn tại thế đã có vấn đề các vị sư xuất gia phá giới. Ðệ tử bạch Phật nên đối đải thế nào với hạng sư ấy. Ðức Phật dạy: “Nầy Kesi! con huấn luyện ngựa bằng cách nào? Dổ dành trước, dổ không được, con dùng roi quất nó, nếu vẫn không được, con giết phứt nó đi. Cùng thế đó, Như Lai dạy đệ tử giử giới qua ba cách trên. Dổ dành là ta dạy đời sống phẩm hạnh mang đến hạnh phúc, an vui, được mọi người xưng tán. Trừng phạt là ta dạy giử giới tạo nghiệp lành, sẽ tái sanh vào cảnh trời, thần và người; không giử giới tạo nghiệp ác sẽ tái sanh vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Ðối với kẻ không dạy được qua hai cách trên, ta giết đi, tức là ta không kể tới và không khuyên răn nữa, kẻ ấy thật đã hết thuốc chữa”.
Không sát sanh:
Giới đầu tiên là không hại sanh mạng chúng sanh, bao gồm tất cả sinh vật kể cả con người và cầm thú. Ðời sống chúng sanh quý báu, tất cả đều quý chuộng mạng sống của chính mình, ta không nên tổn hại đến.
Mọi người sợ đao trượng
Mọi người thích sống còn
Hãy so sánh tự thân
Không giết, không bảo giết
Sát sanh là tạo nghiệp ác, dầu vật bị giết nhỏ như con kiến, con ve, dầu sát sanh vì lý do giải trí (câu cá, săn bắn) hay vì học hỏi (thí nghiệm) hoặc vì sức khỏe (vệ sinh). Khi đã phạm giới sát sanh, tốt hơn nên nhận thức việc làm ấy để sám hối. Không nên tìm lý do tự bào chữa, cho là vì lý do nầy hay lý do khác, sự sát sanh nầy không tạo nghiệp, chỉ tự lừa dối mình một cách ngu xuẩn.
Người hay sát sanh sẽ khổ trong đời nầy và tái sanh vào cảnh khổ. Người không giết hại hay cứu giúp chúng sanh sẽ tái sanh vào nhàn cảnh hoặc tái sanh thành người không bệnh tật, đời sống lâu dài.
Nói đến sát sanh, tưởng ta nên bàn đến vấn đề ăn chay. Ðức Phật không bao giờ cấm ăn thịt miễn là thịt đó không do ta biểu giết, không thấy vật bị giết, và không nghi ngờ người ta giết đặc biệt để mình ăn. Người ăn trứng non, trứng lộn là phạm giới sát sanh. Ngoài ra, ăn chay hay mặn tùy ý thích cá nhân hay phong tục. Ăn chay được rất tốt nhưng không nên vì đó gây khó khăn tạo thêm việc làm cho người nấu ăn; cũng không nên chỉ trích người không ăn chay thiếu lòng từ bi.
Không trộm cắp
Phạm giới không trộm cắp không nặng bằng phạm giới sát sanh nhưng cũng làm người đau khổ không ít. Kẻ trộm cướp đôi khi trở nên hung bạo và phạm luôn giới sát sanh. Nhà buôn thường rất dể phạm giới trộm cắp vì tất cả hình thức gạt gẩm gian lận thuộc giới trộm cắp. Trộm cắp có nhiều hình thức khác nhau. Lấy vật không cho là trộm cắp. Hàng xấu nói tốt là trộm cắp. Hàng rẻ bán mắc là trộm cắp. Người thợ lãnh lương nhưng không làm việc là trộm cắp. Người chủ trả lương không tương xứng cho thợ cũng gọi là trộm cắp. Thật khó sống an lành trong thế giới lừa đảo. Cách hay nhất là thành thật với chính mình. Nếu hiểu biết mọi vật trên thế gian đều tạm bợ, giả tạo, tập sống tri túc với những gì mình có, tâm tham lam càng ngày càng giả, ta sẽ giử giới không trộm cắp dể dàng hơn.
Không tà dâm
Không tà dâm là giới thứ ba trong chánh nghiệp. Dục vọng làm con người nô lệ thể xác, làm bậc hiền triết trở thành kẻ hạ lưu. Người trí trở thành ngu.
Giới không tà dâm áp dụng cho cư sĩ và tăng sĩ khác nhau. Ðức Phật không đòi hỏi người cư sĩ sống độc thân. Ngài dạy ta không nên có hành động sai lầm về sắc dục như điếm đàng, hoang dâm vô độ, gian thông vợ chồng người, sắc dục sái thời, sái chổ v.v. là nhân dẫn đến địa ngục. Một người già lấy vợ trẻ, đêm ngủ không được vì ghen tuôn, cũng phạm giới tà dâm. Ðức Phật khuyên hàng cư sĩ thỉnh thoảng thọ bát quan trai để giảm tham ái sắc dục.
Ðối với hàng tăng sĩ, giới không tà dâm là hoàn toàn không đụng chạm sắc dục. Ðức Phật giảng sắc dục là sức lôi cuốn hấp dẫn mạnh nhất đối với con người, nên đây là giới khó giử. Vì thế, ngài thường khuyên hàng tăng sĩ cần tinh tấn thiền định để hóa giải những đòi hỏi thể xác và chuyển sinh lực sắc dục vào phỉ lạc thiền định. Từ thời Ðức Phật còn tại thế, cũng có nhiều tăng sĩ không kiểm soát được thân giới, phạm tà hạnh. Ðối với những người nầy, Ðức Phật khuyên nên cởi y trở về đời sống cư sĩ. Việc làm nầy được xem như hoàn toàn tự nhiên, không mặc cảm tội lỗi. Ngược lại, nếu tiếp tục đắp y mà phạm giới tà dâm là đi thẳng xuống địa ngục.
Tóm lại, Phật dạy:
Ai sống hại sanh linh
Nói láo trong đời nầy
Lấy của người không cho
Qua lại với vợ người
Lại rượu chè say sưa
Người sống đời sống ấy
Tất chính ngay đời nầy
Tự đào bỏ thiện căn
Hãy ghi nhớ bài học Ðức Phật dạy Rahula. Hằng ngày soi kinh để nhìn thẳng vào hành động chính mình. Việc nào ta làm mang lại an lành cho mình và chúng sanh là điều tốt nên làm. Việc nào ta làm không mang lại an lành cho mình và chúng sanh là điều ác nên tránh.
-oOo-

Chánh Mạng (Samma Ajiva)

Chánh mạng là đời sống chân chánh, là pháp tu thứ năm trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm giới đức. Chánh mạng là không hành nghề tổn hại đến chúng sanh để làm giàu cho mình như buôn bán vủ khí, buôn bán thú, buôn bán nô lệ, buôn bán các chất sai và buôn bán thuốc độc.
Ðối với các bận lãnh đạo, vua quan phải nêu gương đời sống chân chánh. Ðức Phật dạy mười đức tánh cần có: bố thí, giới luật, hy sinh, chân thật hiền hòa, không sống xa hoa, tự chế, không sân, không hung bạo, nhẫn nhục rộng lượng. Phật dạy bậc lãnh đạo phải sống trong giáo pháp, tránh làm điều ác: “Nếu người lãnh đạo sống chân chánh, nhiều người sẽ noi theo, và xã hội sẽ an lạc. Bậc vua chúa hãy đối xử thần dân như con và tránh xa bốn điều tai hại khi cai trị: tham lam, sân hận, lo sợ, ảo tưởng”.
Ngày nay, có quá nhiều nghề nghiệp không chân chánh trong xã hội. Nhiều người buôn bán vủ khí, buôn bán rượu, buôn bán gái điếm, hành nghề đồ tể, viết báo đồi trụy, quảng cáo dối trá. Người Phật tử nên nghĩ đến nghiệp quả và tinh thần giới hạnh trong việc chọn lựa công ăn việc làm.
Chánh mạng mang lại hạnh phúc cho cá nhân và xã hội. Ðời sống không chân chánh sẽ dẫn đến sầu não. Khi một người bốc lột người khác, xã hội sẽ không có hòa bình an vui. Ðức Phật không chờ đợi người cư sĩ phải giử giới giống như tăng sĩ nhưng ít ra cũng phải giử năm giới và có nghề nghiệp chân chánh để nuôi gia đình. Lường gạt, trộm cắp không phải nghề chân chánh.
Trong bản kinh Sigala Sutta, Ðức Phật dạy rỏ lối sống và bổn phận của người cư sĩ: giữa cha con, vợ chồng, bạn bè, chủ tớ, thầy trò. Ngài còn chỉ rỏ bổn phận cư sĩ đối với đạo Pháp và tăng sĩ. Ngài khuyến khích người cư sĩ sống chân chánh tùy theo khả năng. Nếu cá nhân trong sạch, xã hội sẽ không đến nổi tệ.
Trong một bài pháp giảng cho ông Cấp Cô Ðộc, vị thí chủ đã xây dựng Kỳ Viên Tịnh Xá. Ðức Phật đề cập đến bốn hạnh phúc của hàng cư sĩ:
– hạnh phúc kinh tế đầy đủ dựa vào tự lực cánh sinh và chánh mạng (atthi sukha);
– hạnh phúc có tài sản (bogha sukha);
– hạnh phúc không nợ nần (anana sukha);
– hạnh phúc có đời sống trong sạch không lỗi lầm (anavajja sukha).
Hạnh phúc chỉ đến cho người có đời sống bình dị, hòa bình và tri túc. Ðức Phật thường nhắc nhở người cư sĩ nên có đời sống kinh tế căn bản đầy đủ để dể dàng chủ tâm tu học.
Lần nọ, có người nông phu đến nghe pháp lúc bụng đói. Ðức Phật bảo người mang thức ăn cho ông nông phu ăn trước khi ngài thuyết pháp.
Ðói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chân thực như vậy
Niết Bàn, lạc tối thượng.
Ðối với hàng tăng sĩ. Ðức Phật đặt chánh mạng lên hàng đầu. Trong kinh Anguttara Nikaya, ngài chỉ rỏ: “Nầy tỳ khưu! vị nào lừa dối người, ngoan cố, tự kiêu, loạn động, vị ấy không phải đệ tử Như Lai. Vị ấy đã xa rời chánh pháp, vị ấy không thể trưởng thành trong giáo pháp. Ðời sống xuất gia không phải để lường gạt người, không phải để được lợi, không phải để được tiếng tăm, không phải để khoe khoan. Ðời sống xuất gia chỉ để thu thúc lục căn diệt trừ tham ái và giải thoát”.
Ðã xuất gia, người tăng sĩ không còn trách nhiệm nuôi dưỡng gia đình nên vấn đề nghề nghiệp đối với một vị sư chỉ là thiền định và thuyết pháp. Hàng tăng sĩ có bốn thứ vật dụng cần được cư sĩ hộ trì là Y, Thuốc, Chổ ở và Lương Thực. Ngoài ra người tăng sĩ không nên bận tâm đến tiền bạc, tài sản vì đó chỉ là chướng ngại cho đường tu hành giải thoát.

Chánh Tinh Tấn (Samma Vayama)

Chánh tinh tấn là cố gắng chân chánh, nổ lực kiểm soát, thanh lọc tâm. Ðây là pháp tu thứ sáu trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh. Con người quá bận rộn luôn sống trong lo âu và tâm thần căng thẳng, không được bình an. Thông thường, họ lại tìm bình an từ bên ngoài thay vì từ nội tâm. Khoa học càng ngày càng phát triển mang nhiều hứa hẹn tạo cõi nầy thành thiên đàng nhưng người không kềm chế được tâm vẫn không tìm thấy an lạc hạnh phúc.
Con người chịu ảnh hưởng tham-sân-si ghi đậm trong ký ức từ nhiều kiếp nên làm ác dể, làm thiện thật khó. Phật dạy: “Tất cả đang bị lửa thiêu đốt. Tất cả là gì? Mắt đang bị thiêu đốt. Vật thấy đang bị thiêu đốt. Nhãn thức đang bị thiêu đốt. Thọ cảm khoái lạc hay đau khổ cũng đang bị thiêu đốt. Cái gì thiêu đốt nó? lửa tham, lửa sân, lửa si đang thiêu đốt không ngừng”.
Tham ái (tanha) là ngọn lửa khốc liệt đốt cháy chúng sanh. Chính tham ái làm con người mù tối vô minh, phát sanh sân hận vào tạo khổ não. Không phải bom nguyên tử tàn phá con người, chính tham-sân-si tàn phá con người. Vì tham, con người chế bom nguyên tử để chiến thắng. Vì sân, con người tiêu diệt kẻ khác. Vì vô minh, con người chinh phục và tiêu diệt. Nếu không cố gắng tiêu diệt tham-sân-si, con người sẽ trở thành nô lệ của nó.
Khi nào còn dầu chế vào, lửa sẽ còn cháy. Sự ham muốn lục dục là nhiêu liệu nuôi dưỡng ngọn lửa tham-sân-si. Các căn luôn cần đến các thức ăn như mắt cần cảnh đẹp, tai thích lời đường mật, miệng thích ăn ngon. Nếu ta dùng thức ăn tam độc; tất nhiên tâm không an lạc; ngược lại, thức ăn không độc hại sẽ làm tâm ta thanh tịnh. Người dể nuôi sẽ bị lôi cuốn theo lục dục ngũ trần và sẽ luôn luôn vướng mắc trong phiền não, bất toại nguyện. Vì vậy, muốn tiến hóa trên đường tu tập, tìm an vui, ta cần tinh tấn kiểm soát tâm. Kinh Pháp Cú dạy:
Ai sống theo ái dục
Không nhiếp hộ các căn
Ăn uống thiểu tiết độ
Biếng nhác, chẳng tinh cần
Dễ bị ma nhiếp phục
Như gió lay cây yếu.
Con người và súc sanh cùng có các bản năng ăn, ngủ, thỏa mản nhục dục. Con người khác với súc sanh ở khả năng vượt lên trên bản năng đó để phát triển tâm linh. Do đó, Ðức Phật luôn nhắc nhở đốc thúc đệ tử tinh tấn kiểm soát thân tâm để trở nên nguồn hạnh phúc cho mình và tất cả chúng sinh.
Tinh tấn chỉ về sự dũng mãnh tinh thần, không phải sức mạnh thể xác. Người con Phật luôn trì chí nổ lực tinh tấn, không từ bỏ hy vọng. Bồ Tát là bậc tinh tấn không ngừng nghỉ trong vô số kiếp để đạt đến đạo quả vô thượng. Ðức Phật nhấn mạnh đến chánh tinh tấn trong Bát Chánh Ðạo vì ngài nhận biết chỉ có con đường nầy giúp chúng sanh giải thoát. Ngài là đạo sư chỉ con đường giác ngộ. Chỉ có con người tự tu tập, tự giải thoát. Tinh tấn là đặc tính không yếm thế bi quan, là đặc tính của người chiến sĩ dũng mãnh.
Ví như nhà nông, phải dọn dẹp cỏ hoang, trồng hột giống và bỏ phân bón, người tu Phật phải kiểm soát tâm, diệt trừ tư tưởng bất thiện và nuôi dưởng tư tưởng thiện. Chánh tinh tấn gồm bốn nổ lực chân chánh (Tứ Chánh Cần): ngăn ngừa, diệt trừ, phát sanh, tiếp tục.
Ðiều ác chưa phát sanh, cố gắng không cho phát sanh;
Ðiều ác đã phát sanh, cố gắng diệt trừ;
Ðiều thiện chưa phát sanh, cố gắng phát sanh;
Ðiều thiện đã phát sanh, cố gắng phát triển.
Tất cả điều ác phát sanh từ tâm tham, tâm sân và tâm si. Nghịch lại, điều thiện phát sanh từ tâm không tham, không sân và không si. Mục đích thực hành Tứ Chánh Cần là giúp thiền định dể dàng, là tạo điều kiện đạt đến tâm định.
Chánh tinh tấn thuộc nhóm Ðịnh vì chánh tinh tấn, chánh định và chánh niệm liên hệ chặc chẻ với nhau. Nếu không có chánh tinh tấn, hành giả sẽ gặp nhiều chướng ngại tu tập. Chánh tinh tấn diệt trừ tư tưởng thấp hèn là chướng ngại của tâm an trụ, đồng thời giúp ta phát triển tâm thiện đưa đén trạng thái nhập định.
Lúc thiền định gặp nhiều chướng ngại như lười biếng, hôn trầm, dả dượi, là lúc ta áp dụng chánh tinh tấn:
Khi cần không nổ lực
Tuy trẻ mạnh nhưng lười
Chí tiêu trầm nhu nhược
Sao có trí ngộ đạo.
Thanh lọc chuyển hóa tâm không phải việc dể thành công trong một ngày một đêm. Muốn có cơ thể cường tráng, phải bỏ nhiều thời giờ luyện tập theo chương trình nhất định. Cùng thế đó, công cuộc tu tâm đòi hỏi cố gắng liên tục đều đặn lâu dài.
Chánh tinh tấn là nổ lực kiểm soát sáu căn không để tham-sân-si lôi cuốn.
Ðức Phật hỏi vị bà la môn:
– “Thầy của ông dạy kiểm soát các căn như thế nào?
– Thầy tôi dạy đừng nhìn, đừng nghe âm thanh, mầu sắc bên ngoài.
– Như vậy, người mù, người điếc đều không nghe, không thấy, đã kiểm soát các căn chưa? Pháp của ta là thấy và nghe, nhưng thấy và nghe với tâm xả, không có ý niệm thích hay không thích”.
Khi thực hành kiểm soát tâm, ta không nên cố ép, phủ nhận tâm ác mỗi khi nó xuất hiện. Hãy để mọi việc tự nhiên. Hãy ghi nhận tư tưởng mỗi khi nó phát sanh, nhận xét tư tưởng thiện hoặc ác rồi để nó trôi qua. Càng cố ép, muốn gạt bỏ tư tưởng ác, ta sẽ càng vướng mắc vào đó hơn. Hãy bắc chước người tập bơi lội, người nầy hoạt động chân tay nhịp nhàng đều đặn, cơ thể sẽ nổi trên mặt nước. Nếu người nầy vùng vẫy tay chân mạnh quá hay không hoạt động tay chân, cơ thể sẽ chìm. Một thí dụ khác là trường hợp mất ngủ, ta càng cố gắng ép giấc ngủ, càng khó chịu hơn.
Trong việc kiểm soát tư tưởng ác, ta không nên quá căng thẳng, tâm sẽ trở nên khó chịu. Phật dạy ta nên theo con đường trung đạo, không buông trôi, không căng thẳng. Ngài lấy thí dụ người kỵ mã điều khiển cương ngựa. Khi ngựa chạy mau, ông ta kềm lại. Khi ngựa chạy chậm, ông ta thúc ngựa chạy cho mau. Do đó, ngựa giử được nhịp độ đều đặn. Trong một dịp khác. Ðức Phật dùng thí dụ dây đàn. Dây đàn căng quá sẽ đứt, dây đàn lỏng quá sẽ không phát ra âm thanh.
Bài pháp thứ 20 trong Trung Bộ Kinh dạy năm cách kiểm soát tâm trong khi thiền định như sau:
– Khi tư tưởng ác phát sanh từ tham-sân-si, hành giả hãy dùng tư tưởng thiện thay thế tư tưởng đó, như người thợ mộc dùng chân ghế tốt thay thế chân ghế đã gãy.
– Nếu tư tưởng ác còn phát sanh, hành giả nên nghĩ đến những hậu quả tai hại do tư tưởng ác gây ra, mà trở về với tư tưởng thiện.
– Nếu tư tưởng ác còn phát sanh, hành giả nên nghĩ đến điều nguy hại của nó, hành giả hảy bỏ qua đừng chú ý đến nó nữa.
– Nếu tư tưởng ác vẫn phát sanh dù hành giả không chú ý đến nó, hành giả nên nghĩ cách đốn bỏ gốc rể nó.
– Nếu tư tưởng ác vẫn phát sanh, hành giả nên cắn răng, đẩy lưỡi lên nấp vọng, chú tâm vào tư tưởng thiện, đẩy tư tưởng ác đi.
Áp dụng chánh tinh tấn không phải một ngày một giờ mà thành công. Cũng không phải chỉ áp dụng tinh tấn kiểm soát tâm trong lúc ngồi thiền. Trong sinh hoạt hằng ngày, ta nên cố gắng để ý, kiểm soát tư tưởng, lời nói, hành động mình tránh xa tam độc tham-sân-si. Ðó là cố gắng chân chánh. Một điểm thực tế là nên tránh xa những kẻ ác sống triền miên trong tham-sân-si, như tránh xa bệnh hủi đừng để truyền nhiễm đến tâm mình.
Gần đây y học đã chứng minh tâm có thể ảnh hưởng, tạo ra bệnh thể xác, ngược lại cũng có thể làm cho thân khỏe mạnh. Người lạc quan ít bệnh và mau bình phục hơn người bi quan.
Nói về ảnh hưởng của tâm đối với bệnh hoạn và chữa bệnh, ta cần hiểu rỏ công năng của lời kinh cầu an. Có người nghĩ nông cạn cho là Phật đã dạy có nghiệp tất có quả, phải tự lực giải thoát, nên họ cho việc đọc kinh cầu an là dị đoan vô ích. Hiểu như thế là một sai lầm lớn. Các xứ Phật giáo đều có phong tục độc kinh cầu an, cầu giải trừ các chướng ngại, mang lại sự bình an. Paritta tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn là Paritrana, nghĩa đen là “bảo vệ”. Ðây là những bài kinh tụng đọc lời Ðức Phật dạy có công năng bảo vệ và ngăn ngừa ác nghiệp trổ sanh. Tụng, đọc, nghe kinh Paritta với tâm hiểu biết về chân lý và lòng tin tưởng nơi giáo pháp và Ðức Phật, sẽ giúp cho hành giả mau bình phục, được hạnh phúc và vượt qua các trở ngại. Khi kinh Paritta được người giới đức tụng đọc, người nghe thuộc kinh và hiểu được lời kinh càng được nhiều phước báu an lành. Làm sao kinh Paritta có thể diệt trừ các điều tai ương? Kinh Phật có câu:
Dhamma have rakkhati dhammacarim
Nhờ oai lực chân lý bảo vệ hành giả tu Phật.
Ðọc kinh và nghe kinh với sự hiểu biết chân lý cũng là chánh tinh tấn, hoàn toàn không phải mê tín dị đoan. Thông thường bệnh phát sinh từ tam độc tham-sân-si nên lời kinh dạy diệt trừ tham-sân-si sẽ giúp hành giả tín tâm diệt trừ các bệnh hoạn tai ương. Không có linh dược nào quý cho bằng chánh pháp, vì chân lý có thể trị được bá bệnh thể xác và tinh thần giúp hành giả tránh đau khổ và đạt tới hạnh phúc.
-oOo-
 Chánh Niệm (Samma Sati)
Chánh niệm là để ý, cẩn thận, cảnh tỉnh chân chánh để bảo vệ tâm. Ðây là pháp tu thứ bảy trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh.
Thông thường ta xem trên đời không có gì quan trọng hơn ta. Trong ta, tâm là phần quan trọng nhất vì tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả. Ðã quý giá như vậy, ta phải biết bảo vệ tâm. Chánh niệm là phương pháp bảo vệ tâm hữu hiệu nhất:
Nếu yêu quý tự ngã
Phải khéo bảo vệ mình
Người trí trong ba canh
Phải luôn luôn tỉnh thức.
Chuyện kể một ngày nọ, hai thầy trò chuẩn bị hát xiệc. Ông thầy dùng miệng ngậm cây tre đưa lên trời để người học trò leo lên cây hát xiệc. Ông thầy dặn học trò: “con nhớ coi chừng, bảo vệ cho ta, ta sẽ coi chừng bảo vệ cho con; như vậy, tai nạn sẽ không xảy ra”. Người học trò trả lời: “Thưa thầy, không phải vậy! Thầy tự bảo vệ cho thầy đừng để cây ngã. Con tự bảo vệ cho con bằng cách giử thăng bằng. Tai nạn sẽ không xảy ra”.
Ðức Phật dạy: “Các con tự bảo vệ chính mình là các con đang bảo vệ cho người khác”.
Nơi đây Ðức Phật nhấn mạnh đến chánh niệm. Nhẫn nhục, không hãm hại người khác, từ bi là các đức tánh vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ người khác. Tất cả các đức tánh nầy chỉ có thể thực hành qua chánh niệm. Chánh niệm giúp hành giả đi đúng chánh pháp.
Một số người thiếu hiểu biết cho rằng người tu tiểu thừa thực hành chánh niệm là người ích kỷ vì chỉ nghĩ đến tự bảo vệ và tự giải thoát. Ðây là điểm vô cùng tế nhị trong đạo Phật. Tự bảo vệ mình có nghĩa nghiêm trì giới luật, tu tập để trau dồi thân-tâm. Người có chánh niệm là người có tâm vị tha, luôn kiểm soát thân-khẩu-ý của mình để không tổn hại đến chúng sanh. Một người thực hành chánh niệm tự bảo vệ thân-tâm không phải người ích kỷ. Ngược lại, khi tự bảo vệ thân-tâm, người ấy đang bảo vệ những người xung quanh, không để ai lo lắng vì mình, không để ai khổ não vì tham-sân-si của mình.
Ngoài ra kinh điển Phật Giáo Nguyên Thủy cũng vạch rỏ đường tu Bồ Tát là thực hành mười pháp ba-la-mật phục vụ chúng sanh trên đường tu tập giác ngộ trở thành bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác. Mười pháp ba-la-mật gồm có: bố thí (dana), trì giới (sila), xuất gia (nekkhamma), trí tuệ (panna), tinh tấn (viriya), nhẫn nại (khanti), chân thật (sacca), quyết định (adhitthana), tâm từ (metta), tâm xã (upekkha). Ðặc biệt hai đức tính từ bi và trí tuệ là kim chỉ nam cho bồ tát phục vụ chúng sanh, vừa cứu người vừa tự cứu mình.
Phật giáo có danh từ “chú ý” dịch từ chử appamada, đồng nghĩ với sati (niệm). Appamada là quan sát, chú ý liên tục để tránh làm điều ác và ghi nhớ điều lành. Người có chánh niệm là người tỉnh thức trong tất cả trường hợp, sẳn sàng đương đầu trước thần chết. Phật dạy: “Chú ý là con đường bất tử. Không chú ý là con đường chết. Hiểu như thế, bậc thánh nhân hoan hỷ trên con đường chánh niệm”.
Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quân mê
Kẻ trí như tuấn mã
Bỏ sau con ngựa hèn.
Quả thật, kẻ trí là người tỉnh thức. Luôn giử chánh niệm và tinh tấn là điều kiện cần thiết để tránh làm ác và thực hành điều lành. Hãy kiểm soát liên tục tư tưởng và tình cảm của ta từng giờ từng phút trên con đường thanh tịnh hóa thân và tâm.
Pháp định gồm có ba chi: tinh tấn, niệm và định. Cả ba liên hệ chặc chẻ với nhau. Trong ba chi nầy, chánh niệm quan trọng nhất để giử tâm an định quân bình. Hành giả tu Phật cần luôn giử chánh niệm khi đi-đứng-nằm-ngồi.
Niệm còn có nghĩa thứ hai là hiểu thấu đáo (Sampajanna).
Vô minh là không hiểu biết điều ác, không hiểu biết ngũ uẩn, không hiểu biết sự kiện liên hệ giữa trần và thức, không hiểu biết tánh không và lý nhân duyên, không biết sự nô lệ tham ái và bốn chân lý vi diệu.
Vô minh được thân, khẩu và ý nuôi dưỡng, ngăn cản tâm tỉnh thức và hiểu biết thấu đáo. Thiếu hiểu biết thấu đáo là thiếu chánh kiến nên người vô minh nhìn vô thường cho là thường còn, nhìn khổ não cho là hạnh phúc, nhìn vô ngã cho là tự ngã, nhìn xấu cho là tốt, Khi vô minh tăng trưởng, tham ái và khát vọng tái sinh được nuôi dưỡng, khiến con người trầm luân trong biển luân hồi.
Niệm cũng có nghĩa thứ ba là sự nhớ, chú ý, tỉnh thức. Một người đi từ chổ tối ra chổ sáng sẽ nhận biết rỏ ràng mọi vật chung quanh. Cùng thế đó, người tỉnh thức với chánh niệm sẽ hiểu biết thấu đáo về mọi việc và đưa thực tướng mọi việc từ bóng tối vô minh đến ánh sáng trí tuệ. Chánh niệm trong Bát Chánh Ðạo được giảng rỏ trong kinh Tứ Niệm Xứ (Satipathana = là nơi để ghi nhớ). Kinh Tứ Niệm Xứ là bài kinh về thiền định rất quan trọng, Ðức Phật đã giảng kinh nầy lần đầu trong bài pháp số 10 Trung Bộ Kinh (kinh Majhima Nikaya) và lần thứ hai trong bài pháp số 22 Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) nhấn mạnh đến Tứ Ðế.
Kinh Tứ Niệm Xứ rất quan trọng trong Phật Giáp Nguyên Thủy. Chư tăng thường tụng kinh nầy cho người bệnh hay người sắp chết.
Khi đã hiểu kinh Tứ Niệm Xứ, ta có thể áp dụng vào đời sống thế gian bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào để luôn luôn thanh lọc thân tâm.
Người thực hành Tứ Niệm Xứ là người luôn luôn giử chánh niệm về thân-thọ-tâm-pháp, ý thức vô thường, khổ não và vô ngã. Hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ chắc chắn sẽ đắc đạo quả cao thượng Niết Bàn, hoặc ít ra cũng chứng được quả thánh Bất Lai.
Tóm tắt Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta)
Tôi được nghe như vầy: Một hôm, Ðức Thế Tôn đang ngự tại Kammassadhamma, một khu phố của giống dân Kuru. Ngài dạy: “Nầy tỳ khưu! Như Lai dạy cho quý vị con đường duy nhất để thanh lọc thân-tâm, vượt thắng phiền não, tiêu diệt khổ đau, đạt tới Chánh Ðạo và chứng nhập Niết Bàn. Ðó là con đường Tứ Niệm Xứ.
Quán niệm thân (Kayanupassana) không tham ái về thân;
Quán niệm thọ (vedananupassana) không tham ái về thọ;
Quán niệm tâm (cittanupassana) không tham ái về tâm;
Quán niệm pháp (dhammanupassana) không tham ái về pháp.
1. Quán Niệm Thân
Niệm hơi thở
Hành giả tìm đến một khu rừng, hoặc một gốc cây, hoặc một góc nhà vắng, ngồi trong tư thế kiết già, giữ thân hình ngay thẳng và đặt mình trong sự quán niệm. Người ấy thở vào với ý thức minh mẫn là mình đang thở vào. Người ấy thở ra với ý thức mình đang thở ra. Hơi thở dài, hành giả ý thức dài. Hơi thở cạn, hành giả ý thức cạn. Hành giả ý thức theo dỏi hơi thở đi từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Hành giả chú tâm niệm hơi thở không để ý bám víu vào vật gì bên ngoài. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thân
Khi bước chân, hành giả ý thức chân bước. Khi ngừng, hành giả ý thức chân ngừng. Khi ngồi, hành giả ý thức ngồi. Cứ như thế, khi đi-đứng-nằm-ngồi, hành giả nhận thức mình đang đi-đứng-nằm-ngồi. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thân bất tịnh
Hành giả quán niệm thân thể bao bọc bởi lớp da chứa đầy các chất bất tịnh, da bọc mở, thịt xương. Lông tóc, máu mủ, đàm nhớt, không có gì đẹp đẻ đáng luyến ái … Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm tứ đại
Hành giả quán chiếu những yếu tố tạo nên thân thể là địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại … Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
Niệm thây ma
Nhìn xác chết trong bãi tha ma qua một ngày, hai ngày, bị thiêu đốt, hảnh giả quán niệm thân ta một ngày nào đó cũng sẽ tiêu hoại như vậy. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm thân.
2. Quán Niệm Thọ
Mỗi khi thọ khoái lạc phát sanh, hành giả ý thức đang có thọ khoái lạc. Khi thọ khổ, hành giả ý thức đang thọ khổ. Khi thọ đau, hành giả ý thức thọ đau. Khi có thọ vô ký, hành giả ý thức thọ vô ký…. Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm cảm thọ.
3. Quán Niệm Tâm
Khi tâm tham dục phát sanh, hành giả ý thức tâm tham dục. Khi tâm không tham phát sanh, hành giả ý thức tâm không tham. Khi tâm sân phát sanh, hành giả ý thức tâm sân. Khi tâm không sân phát sanh, hành giả ý thức tâm không sân. Khi tâm si mê phát sanh, hành giả ý thức tâm si mê. Khi tâm động phát sanh, hành giả ý thức tâm động. Khi tâm ở trạng thái định trong sắc giới, hành giả ý thức tâm định … Cứ như thế, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm tâm.
4. Quán Niệm Pháp
Các pháp là đối tượng của tâm gồm có:
– năm chướng ngại
– năm uẩn
– sáu căn, sáu trần
– Thất Giác Chi
– Tứ Diệu Ðế
Năm chướng ngại
– Khi tâm tham dục phát sanh, hành giả ý thức có tham dục;
– Khi sân hận phát sanh, hành giả ý thức có sân hận;
– Khi si mê phát sanh, hành giả ý thức có si mê;
– Khi phóng tâm phát sanh, hành giả ý thức có phóng tâm;
– Khi hoài nghi phát sanh, hành giả ý thức có hoài nghi.
Cứ như vậy, hành giả sống trong sự thường trực quán niệm năm chướng ngại.
Năm uẩn
Hành giả quán niệm đây là sắc uẩn, đây là sự thành-trụ-hoại-diệt của sắc uẩn. Thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn cũng vậy. Hành giả tỉnh thức quán niệm ngũ uẩn. Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm về năm uẩn.
Sáu căn và sáu trần
Hành giả quán niệm về sáu giác quan và sáu đối tượng. Hành giả ý thức mắt và đối tượng của mắt là hình sắc, ý thức những ràng buộc tạo nên do mắt và hình sắc… Cứ như thế hành giả sống trong quán niệm về sáu căn và sáu trần.
Thất giác chi
Thất giác chi là bảy pháp liên quan đến sự chứng ngộ gồm có:
Niệm (sati) là sự ghi nhớ về thân-thọ-tâm-pháp;
Trạch pháp (dhammavicaya) là nhiệt thành khảo sát Giáo Pháp;
Tinh tấn (viriya) là một loại tâm sở cũng là chánh tinh tấn trong Bát Chánh Ðạo;
Phỉ (piti) là loại tâm có cảm giác hạnh phúc;
An (passadhi) là tâm an tỉnh;
Ðịnh (samadhi) là trạng thái tâm ổn định vững chắc;
Xả (upekkha) là tâm quân bình, trung lập không thiên vị, không xao động.
Khi có chánh niệm, hành giả ý thức là mình có chánh niệm. Khi có trạch pháp, hành giả ý thức mình có trạch pháp. Khi có tinh tấn, hành giả ý thức mình có tinh tấn. Khi có phỉ, hành giả ý thức mình có phỉ. Khi có tâm an, hành giả ý thức mình có tâm an. Khi có tâm định, hành giả ý thức mình có định. Khi có tâm xả, hành giả ý thức mình có tâm xả. Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm các pháp thất giác chi.
Tứ Diệu Ðế
Hành giả quán niệm đây là khổ nảo, đây là nguồn gốc khổ, đây là chấm dứt khổ, đây là con đường chấm dứt khổ. Khi sự kiện là khổ đau, hành giả ý thức khổ đau. Khi sự kiện là nguyên nhân khổ đau, hành giả ý thức nguyên nhân. Khi sự kiện chấm dứt khổ đau, hành giả ý thức sự chấm dứt. Khi sự kiện là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, hành giả ý thức con đường … Cứ như thế, hành giả sống trong quán niệm về Tứ Diệu Ðế.
Nầy chư vị! người nào thực hành Tứ Niệm Xứ trong vòng bảy năm, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay ở đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh.
Nầy chư vị! đừng nói tới bảy năm. Kẻ nào thức hành Tứ Niệm Xứ như vậy trong vòng 6 năm, hoặc 5 năm… hoặc 1 năm…, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay tại đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh.
Nầy chư vị! đừng nói tới 1 năm, kẻ nào thực hành Tứ Niệm Xứ trong vòng 7 tháng hay 6 tháng … hay một tháng, người ấy có thể có khả năng đạt được quả vị chánh trí ngay tại đây và trong kiếp nầy, hoặc nếu còn dư báo thì cũng đạt được quả vị A-la-hán, không còn tái sanh”.
-oOo-

Chánh Ðịnh (Samma Samadhi)

Chánh định là thiền định chân chánh, là pháp tu thứ tám trong Bát Chánh Ðạo thuộc nhóm Ðịnh. Theo đạo Phật, tâm trong trạng thái thiền định khác với trạng thái hôn mê bất tỉnh. Ðó là trạng thái tâm an tịnh, tỉnh thức và ghi nhớ. Người hành thiền có thể đạt vào các tầng thiền và có thần thông như nghe xa, đọc tư tưởng, thấy chuyện quá khứ, vị lai v.v… Nên nhớ đây chỉ là những khả năng tự nhiên của tâm định, không phải cứu cánh giải thoát. Nhiều người quen sống theo vật chất, thiếu hiểu biết về đời sống tâm linh, khi thấy một vài người thi triển thần thông vội mê tín tin theo nên gặp phải tà đạo. Chánh định khác với tà định ở chổ cứu cánh của chánh định là giải thoát, cứu cánh của tà định là thần thông.
Ðức Phật dạy kiểm soát tâm và thanh lọc tâm là việc quan trọng nhất phải làm vì hạnh phúc giải thoát đến từ tâm an định, trí tuệ, đau khổ đến từ tâm ô nhiễm, vô minh.
Ðừng nên hiểu lầm kiểm soát tâm là ràng buộc cản trở sự phát triển khả năng của cá nhân. Muốn các khả năng cao thượng của tâm bộc phát, tâm tự do phóng túng chạy theo dục vọng cần được trau dồi, kiểm soát không để tam độc tham-sân-si chi phối.
Người kiểm soát tâm trở nên hữu ích cho chính mình và xã hội. Người có tâm phóng túng làm hại cho họ và người khác.
Giai cấp, chủng tộc, mầu da, tài sản, không nhất thiết làm con người trở nên thánh thiện. Chỉ có đời sống chân chánh làm con người thánh thiện vì đời sống đó dẫn đến trí tuệ.
Phương pháp phát triển tâm linh do Ðức Phật chỉ dạy là thiền định. Con người trở nên sáng suốt, phát sanh những tư tưởng siêu việt, những khám phá đặc biệt, khi tâm người đó an tịnh và chú ý suy niệm lâu dài về một vấn đề. Năng lực tạo tác hữu hiệu nhất thường yên lặng. Vậy mà con người lúc nào cũng thích động hơn tịnh.
Phần đông chúng ta bận rộn chạy theo đời sống, mãi lo giải quyết chuyện thế gian nên bỏ quên sự cần thiết yên lặng thiền định. Khi chạy đua với cuộc sống bên ngoài, ta giống như con sóc chạy theo bánh xe trong lồng vàng, tưởng rất bận rộn, thực ra không đi đến đâu. Khi ngồi yên lặng thiền định, ta giống như con gà ấp trứng có vẽ ngồi không, nhưng thật sự đang thực hành việc làm vô cùng quan trọng để trứng nở ra con. Hằng ngày, ta nên để ít nhất nửa tiếng làm con gà ấp trứng. Khi yên lặng nhìn vào nội tâm, một mình đối diện với tâm thức, ta sẽ nhận thức được sự thật về những khuyết điểm và giới hạn của đời sống.
Lý do thường nêu ra để không thiền định là bận rộn việc nhà, thiếu hiểu biết, sức khỏe yếu kém, tuổi già v.v… Không lý do nào chính đáng cả. Thiền định không phải cắt đứt mọi liên hệ với đời sống. Ðừng nên chần chờ, hãy bắt đầu ngay. Mỗi ngày chỉ cần thiền định năm hay mười phút, dần dần hành giả sẽ thấy sự chú ý tăng trưởng dể dàng. Hành giả sẽ hưởng lợi ích của thiền định ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Tâm hành giả sẽ dể chịu và những căng thẳng của đời sống sẽ giảm bớt. Hãy dùng tâm tinh tấn để cố gắng tiếp tục rồi gia tăng thời giờ thiền định.
Khi sư Nakulapita tuổi già bệnh nặng đến đãnh lể Phật, Ðức Phật dạy: “Thân con nay đã già yếu, nếu cố gắng tìm lại sức tráng kiện xưa kia thật là điên rồ. Con hãy nghĩ như vầy: Thân ta tuy bệnh yếu nhưng ta quyết không để tâm suy yếu. Con hãy tinh tấn suy niệm như thế!”.
Kiểm soát tâm là chìa khóa hạnh phúc, là vua của giới đức, là động lực dẫn đến giác ngộ. Sự an tỉnh không phải yếu hèn. Người an tỉnh là người rèn luyện cao thượng.
Có hai loại thiền: Thiền Chỉ hay Thiền Tam-ma-đề (samadhi) và Thiền Quán hay Thiền Minh-Sát (vipassana). Thiền Chỉ là an tâm dẫn đến tâm định. Thiền Quán hay Thiền Minh Sát làm cho tâm thấy sự vật rỏ ràng, đúng thực tướng của nó, vượt ra ngoài sự thấy thông thường. Ðó là sự thấy ba thực tướng vô thường, khổ não và vô ngã. Chính nhờ tâm định chú tâm vào đối tượng, hành giả có thể diệt trừ các ô nhiễm vô minh và thấy được chân lý. Ðó là pháp thiền do Ðức Phật tự khám phá. Thiền Chỉ và Thiền Quán (samatha-vipassana) đi đôi và hổ trợ cho nhau. Một bên làm tâm định, một bên quán sát sự vật để soi thấu thực tướng. Phật dạy: “Tâm an tịnh nhìn thấy sự vật rỏ ràng”.
Thiền Chỉ rất cần thiết và quan trọng trong đạo Phật, tuy nhiên tâm định không phải cứu cánh của tu tập. Thấy thực tướng sự vật qua thiền quán chính là cứu cánh. Phật dạy: “Có hai điều cần thiết để diệt trừ tam độc. Cái gì là hai? Ðó là Chỉ và Quán”. Tâm có định thì không còn ái dục. Tâm có quán thì chánh kiến phát sanh. Khi có chánh kiến, vô minh không còn.
Do đó, chánh định và chánh kiến không thể tách rời nhau, phải hổ trợ cho nhau. Nếu tâm không định, ta không thể thấy rỏ sự vật. Nếu không thấy rỏ sự vật, ta không thể có cái nhìn đúng.
Thiếu trí không thiền định
Thiếu định không trí tuệ
Người có định, có trí tuệ
Nhất định gần Niết Bàn.
Hành giả đi tìm con đường thanh tịnh, giữ đời sống chân chính, diệt trừ ái dục, sống trong thiền định và diệt trừ các chướng ngại trong khi thiền định. Năm chướng ngại cản trở tu tập (panca nivaranami) gồm có:
– tham dục (kamachanda) là tâm quyến luyến vật dục
– sân hận (vyapada) là tâm mong làm cho hư hoại hạnh phúc người khác
– hôn trầm (thina-middha) là tâm lười biếng, dã dượi
– phóng tâm (uddhacca-kukkacca) là tâm xao lãng lo ra
– hoài nghi (vicikiccha) là tâm không tin chắc chân lý
Người thiền định có năm năng lực thiện diệt trừ chướng ngại là:
– tầm (vitakka) là tâm suy nghĩ đối tượng
– sát (vicara) là tâm quan sát đối tượng
– phỉ (piti) là tâm hạnh phúc an lành
– lạc (sukkha) là tâm an lạc
– trụ (ekaggata) là tâm định hoàn toàn (nhất điểm).
Khi thiền định, đối nghịch giữa hai cập như sau:
– Trụ hóa giải tham dục;
– Phỉ dùng hóa giải oán hận;
– Tầm dùng hóa giải hôn trầm;
– Lạc dùng hóa giải phóng tâm;
– Sát dùng hóa giải hoài nghi.
Hành giả muốn thiền định chân chánh chọn nơi vắng lặng và chú tâm vào đề mục thiền. Lúc đầu, đây là việc làm rất khó khăn, hành giả sẽ thấy tâm sanh, diệt, tư tưởng hiện ra, phóng đi. Hành giả sẽ kinh nghiệm những chướng ngại thiền định. Ðừng nản lòng, với tinh tấn và chánh niệm dần dần hành giả diệt trừ chướng ngại, chú tâm vào đề mục thiền. Khi tất cả chướng ngại đã diệt và những ô nhiễm trong tâm đã thanh lọc, hành giả nhập đại định (appana samadhi). Ở điểm nầy, tâm hành giả trụ vào nhất điểm ví như đèn cầy vững vàng đứng ngọn, không chao động, không lay chuyển, ở một nơi không có gió. Hành giả nhập định, tâm an trụ tỉnh lặng không xao động với thế giới bên ngoài.
Ở giai đoạn nầy, tâm hành giả đã an định, nhưng giác ngộ giải thoát chưa đạt. Những ô nhiễm vô minh vi tế vẫn còn ẩn nấp sâu trong tiềm thức, khi có dịp chúng sẽ xuất hiện qua ba cửa ngõ thân-khẩu-ý. Hành giả tinh tấn nên tiếp tục giử giới để kiểm soát thân-khẩu và thiền định để kiểm soát tâm.
Thiền Minh Sát, quán niệm (Vipassana Bhavana) là phương pháp duy nhất diệt trừ tận gốc vô minh. Với tâm định, hành giả thực hành thiền minh sát quán chiếu đến khi phát sanh trí tuệ bát nhã thấy rỏ thực tướng vạn vật.
Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường
Tất cả các pháp hữu vi đều khổ não
Tất cả các pháp đều vô ngã.
Khi hành giả phát sanh trí tuệ, trực nhận chân tướng vô thường, khổ não và vô ngã của chính mình, nhìn rỏ ngũ uẩn, hành giả chứng đắc đạo quả giải thoát.
Các Ðạo Quả
Có mười phiền não cần diệt trừ để đắc đạo quả cao thượng:
– thân kiến
– hoài nghi chân lý
– cúng kiến sai lầm
– dục ái
– sân hận
– sắc ái
– vô sắc ái
– ngã mạn
– phóng dật
– vô minh
Người diệt trừ ba phiền não đầu tiên là thân kiến, hoài nghi, cúng kiến sai lầm, đắc quả Dự Lưu hay Tu đà hoàn (Sotapanna). Vị nầy chỉ còn tái sanh trở lại 7 lần trước khi đắc đạo quả A-la-hán.
Người diệt trừ được ba phiền não đầu tiên và bắt đầu chế ngự phiền não dục ái và sân hận, đắc quả Nhứt Lai hay Tư đà hàm (Sakadagami). Vị nầy chỉ tái sanh trở lại thêm một lần trước khi giải thoát sanh tử.
Người diệt trừ hoàn toàn năm phiền não đầu tiên đắc quả Bất Lai hay A na hàm (Anagami). Vị nầy sẽ giác ngộ trong đời nầy hay tái sanh vào cõi vô sắc giới từ nơi đó, đắc đạo quả Niết Bàn.
Người diệt trừ tất cả mười phiền não chứng được quả A-la-hán hay Ứng Cúng Cao Thượng (Arahan) giải thoát sanh tử luân hồi.
Bậc A-la-hán vượt lên trên đời sống thế tục nhị nguyên. Vị nầy không còn tạo nghiệp hay chịu ảnh hưởng của nghiệp và định luật nhân quả.
Người sống ở đời nầy
Vượt cả ngoài thiện ác
Vô cấu, tịnh, vô ưu
Ta gọi là bà la môn.
Bỏ trói buộc nhân gian
Khỏi trói buộc thiên giới
Giải thoát mọi buộc ràng
Ta gọi Bà la môn
(Nơi đây, danh từ bà-la-môn đồng nghĩa với A-la-hán)
Các Ðề Mục Thiền Ðịnh
Tùy theo căn tánh chúng sanh, Ðức Phật chỉ dạy 40 đề mục thiền định:
– 10 đề mục dùng vật để niệm tâm (kasina)
– 10 đề mục về tử thi (asubha)
– 10 đề mục về suy niệm (anussati)
– 4 đề mục về phẩm hạnh (Brahmavihara)
– 4 đề mục về thiền vô sắc (aruppa)
– 1 đề mục về tri giác (Eka sanna)
– 1 đề mục phân biệt (vavathana)
Ðức Phật dạy đại đức Rahula như sau:
– Hãy thiền định về tâm từ để đối trị tâm sân;
– Hãy thiền định về tâm bi để đối trị tâm ác độc;
– Hãy thiền định về tâm hỷ để đối trị tâm ganh tỵ;
– Hãy thiền định về tâm xả để đối trị tâm ganh ghét;
– Hãy thiền định về thây ma để đối trị tâm luyến ái;
– Hãy thiền định về vô thường để đối trị với cái ta;
– Hãy thiền định về hơi thở, con sẽ thấy nhiều lợi ích.
Không cần thiền định tất cả 40 đề mục trên, ta chỉ cần chọn đề mục nào thích hợp với căn tánh mình nhất để thiền định là đủ. Ðiều quan trọng là thực tập hằng ngày, kết quả sẽ đến. Chỉ cần thực hành thiền định về hơi thở (anapanasati) thật đúng cách, thật rốt ráo. Cũng đủ đạt đến đạo quả giác ngộ như ngày xưa Bồ Tát Cồ Ðàm đã chứng ngộ.
Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) tóm tắt bài pháp Ðức Phật giảng về Thiền Niệm Hơi Thở (Sổ Tức Quán – Anapanasati) cho ngài Rahula như sau:
“Hãy tìm nơi thanh tịnh, ngồi xếp bằng, lưng thẳng, chú tâm vào hơi thở. Với chánh niệm, hít vào, thở ra. Khi hít vào sâu, ý thức hơi sâu. Khi hít vào cạn, ý thức hơi cạn. Khi hơi thở ra dài, ý thức hơi dài. Khi thở ra ngắn, ý thức hơi ngắn. Ý thức trọn vẹn hơi thở ra vô, hãy chú niệm theo dỏi hơi thở. Ý thức tỉnh lặng, chú niệm hít vào, thở ra. Hãy thực hành như thế, ý thức theo dỏi hơi thở ra vào cho đến hơi thở cuối cùng”.
Thở là việc làm máy móc ta thường không để ý. Khi thiền định về hơi thở, quan trọng là ý thức tâm chú tâm vào hơi thở vào ra. Chỉ cần theo dỏi hơi thở tự nhiên, không phải cố gắng tập thở dài ngắn, hay đưa hơi thở theo chiều hướng nào, cũng không làm tâm trống không.
Giữ được tâm niệm chú ý về hơi thở đến độ không nghĩ tưởng đến việc gì khác, không thấy cảm việc gì bên ngoài, gọi là trụ tâm vào hơi thở. Với tâm định trong hơi thở, dần dà hành giả sẽ nhận thức hơi thở vào ra là một tiến trình liên tục, luôn thay đổi dài ngắn, vào ra. Ðó là giác ngộ vô thường. Rồi hành giả sẽ nhận thức sự sống của năm uẩn tùy thuộc vào hơi thở vào ra, ngoài hơi thở không có gì gọi là cái ta hay tự ngã, không có gì để luyến ái. Ðó là giác ngộ vô ngã.
Thiền định là việc khó làm, lúc đầu ta không nên chờ đợi kết quả tức khắc. Kiểm soát tâm là việc làm lâu dài. Không nên hấp tấp. Chỉ cần đều đặn mỗi ngày cố gắng dần dà sẽ thành công. Người thường thiền định về hơi thở kinh nghiệm tâm an tỉnh phỉ lạc trong sáng, đồng thời thân thể cũng nhẹ nhàng khỏe mạnh.
Nên ghi nhớ những lời vàng Ðức Phật để lại khuyến khích ta thiền định trau dồi tâm:
Người dẫn thủy dẫn nước
Kẻ bắn cung nắn tên
Người thợ mộc uốn ván
Kẻ trí thức nhiếp thân
Tỳ kheo sống nhàn tịnh
Tâm tư lặng thường hằng
Tịnh quán theo chánh pháp
Thọ hưởng vui siêu nhân.
-oOo-
Nguồn: sách CON ĐƯỜNG XƯA (Hòa thượng Pyadassi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét