Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Suy nghĩ về nguyên lý tu tập và sự hoạt động của Phật giáo trong hiện tại (Thầy Tâm Hạnh)


Nhân một lần hỏi Pháp, Thầy Tâm Hạnh có gửi cho bài viết này. Sau khi đọc thấy bài viết thật thiết thực trong bối cảnh Phật Giáo Việt Nam hiện nay. Xin được chia sẻ với mọi người: 

Từ thuở bình minh của nhân loại, để duy trì sự sinh tồn của mình, loài người cũng như các loài động vật khác luôn bận rộn tìm thực phẩm để giải quyết cái đói luôn giày vò; đồng thời phải tự bảo vệ mình trước những tấn công của đồng loại và những loài khác. Loài người còn phải đương đầu với những năng lực thiên nhiên luôn luôn ở bên cạnh và không biết huỷ diệt cuộc sống của họ lúc nào.           
         Có thể trong giai đoạn đầu, cũng như các động vật khác, con người được thiên nhiên đáp ứng cho một số lương thực tự nhiên nào đó. Nhưng dần dần, nguồn lương thực đó cạn dần vì số lượng con người tăng thêm, nhu cầu càng nhiều hơn. (Kinh Nguồn gốc loài người_Agganana sutta_Trường Bộ 27; Trường A Hàm 30)
Một hôm nào đó, qua một trận cháy rừng, người nào đó nhặt được một mảnh đất lõm giống cái đĩa bị nung chín. Sau khi dùng nó để đựng thức ăn thay cho lá, anh ta suy nghĩ: “Hay là ta nặn ra vật gì đó bằng đất sét, đốt vào lửa thì sẽ được vật dụng cứng rắn thế này”. Khi làm được vật bằng đất sét, dấu tay anh ta in trên đó gây cho anh ta sự tưởng tượng : “phải chi trên vật này có hình ảnh của bàn tay ta”. Đi qua một vùng đất hoang, anh ta nhặt được cái vỏ chim đà điểu, đựng nước vào đó, chôn dưới con đường mình thường đi qua để moi lên uống lại khi khát nước. Sau khi ăn những gì đã tìm được trong ngày, anh ta phát hiện hôm nay mình lấy quá nhiều thực phẩm hay con vật mà mình đã săn được quá lớn, ăn không hết nên còn dư, thế là ngày mai không cần phải đi kiếm thực phẩm nữa. Tình cờ, đi ngang qua trước hang mà trước đây mình cư trú, thấy có những cây lương thực từ những hạt giống đã bỏ lại trước đây mọc lên và kết hạt, anh ta suy nghĩ: ”Vậy là mình có thể trồng cây để có thêm lương thực mà không phải đi tìm.”
Từ những trường hợp ngẫu nhiên trên, sự tưởng tượng của loài người phát sinh. Do tưởng tượng tạo thành khái niệm.   Từ khái niệm cộng với ý chí đưa đến trí tuệ tạo thành văn minh, văn hóa. Thế là, bình minh của văn minh và văn hoá của loài người xuất hiện. Trong khi, đến ngày nay, các loài vật khác vẫn hoạt động theo hiểu biết, tình cảm và  ý chí theo bản năng để sinh tồn mà không hề có tưởng tượng, khái niệm, trí tuệ nên chúng vẫn sống theo cuộc sống hoang dã.
Từ các nền văn minh và văn hoá đa dạng, đời sống con người được cải thiện, đầy đủ hơn, tiện nghi hơn, sung túc hơn. Đời sống ngày càng phát triển, kéo theo đó, sự chênh lệch về lương thực, quyền lực, giữa con người với con người càng tăng. Cũng như các loài động vật khác, bản năng của con người là sinh và tồn, nhưng con người có tưởng tượng và hiểu biết nên đã giúp đỡ nhau, dạy bảo nhau, hợp tác nhau, và đồng thời cũng do tham sân si mà con người lừa dối nhau, chiếm đoạt nhau, gây ra chiến tranh tàn sát nhau để nâng cao và phát triển rộng bản năng sinh tồn ấy.
Khác với loài vật, ngoài bản năng ra, con người có trí tuệ. Từ văn minh và văn hóa, con người luôn sáng tạo những kiến thức mới để làm ra những vật chất mới phục vụ cho đời sống và làm sở hữu cho mình, cho dân tộc, đoàn thể của mình vượt hơn người khác. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện nghi vật chất, con người luôn trăn trở tư duy về thân phận của mình giữa thiên nhiên, giữa mình và tha nhân, ta là ai, ta từ đâu đến đây và sẽ đi về đâu, giữa ta và thiên nhiên có những quan hệ gì, giữa ta và loài khác, người khác tại sao khác nhau, làm sao ta chinh phục thiên nhiên, làm sao ta không thua kém mà chiến thắng, quản trị được người khác, vật khác, thiên nhiên v.v. và v.v. Từ sự so sánh về vật chất, kiến thức, tư duy về thân phận của mình với người khác, bản ngã của con người phát sinh.
Vậy là, trong tiến trình sinh tồn, ngoài việc phải luôn tranh đấu cho cái ăn và bảo vệ mình với hoàn cảnh, với các thế lực thiên nhiên luôn gây đau khổ và sợ hãi, con người còn phải đương đầu với cái bản ngã do chính nó tạo ra. Con người có thể nhịn đói, chống cự với các thế lực bên ngoài, tránh né một số thế lực thiên nhiên, nhưng lại không thể nào thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi từ cái bản ngã của chính mình. Đỉnh cao của đời sống là tiền bạc, của cải và thế lực. Nhưng khi đạt đến đỉnh cao ấy, oái ăm thay con người lại càng cô đơn với chính mình và chung quanh, vì đồng thời phải bảo vệ và sợ hãi phải mất tài sản và quyền lực ấy đi.  Tất cả sự mâu thuẫn ấy đều là những khái niệm do bản ngã dựng lên.
Như thế, để bảo vệ bản năng sinh tồn bằng cách giải quyết sự đau khổ và sợ hãi từ cái đói, từ những loài vật khác, từ chính đồng loại, từ thiên nhiên và từ chính bản ngã của mình, con người đã tạo ra khoa học, kinh tế, chính trị, tôn giáo bằng những khái niệm dựa trên những thực tại khách quan.
Những biện pháp giải quyết ấy đã và đang thành tựu một số mặt nào đó cho đời sống con người, nhưng chính tự nó lại có sự mâu thuẫn nên không thể nào giải quyết triệt để.
 Kinh tế phát triển làm đời sống nâng cao nhưng chênh lệch giữa đời sống vật chất giữa nơi này và nơi khác càng nhiều, nơi thì quá dư thừa nơi thì thiếu thốn do sự mất cân đối giữa cung và cầu. Sự phát triển hay suy thoái kinh tế không còn là thực tại khách quan mà do sự điều khiển của một nhóm người tham lam nào đó, không bao giờ dừng lại. Khủng hoảng về kinh tế đang chi phối đời sống loài người trên cả hành tinh.
Phát minh khoa học sau làm thay đổi những phát minh trước nên gây biết bao nhầm lẫn tai hại đáng tiếc mà loài người là nạn nhân chính. Mục đích của khoa học là nâng cao đời sống con người nhưng cũng chính những phát minh khoa học lại là phương tiện tiếp tay con người huỷ diệt con người mà chính khoa học cũng không có cách cứu vãn. Nói chung, những thành tựu của khoa học và kinh tế luôn mâu thuẫn với chính mình vì được xây dựng theo nhu cầu dục vọng của sáu giác quan lệ thuộc trên các đối tượng của chúng để phục vụ cho những ý đồ từ bản ngã của từng cá nhân hay đoàn thể.
Chính trị thì dựa trên quyền lực, ý thức hệ và khái niệm của giai cấp hay tập đoàn lãnh đạo đất nước ấy mà lập ra những pháp luật, hiến pháp, quy chế nhằm bảo vệ, làm ổn định cho người dân và lãnh thổ của họ. Do đó, có khi cùng trong một nước, hay nước này và nước khác, pháp luật giữa vùng này chủ trương khác vùng kia, giai đoạn trước khác giai đoạn sau, vị lãnh đạo này chủ trương khác vị kia, gây ra biết bao cuộc sửa sai, xét lại, đổi mới v.v… Hệ quả theo sau đó là biết bao chuyện thương tâm đáng tiếc như thanh trừng nhau, tàn sát nhau trong nước hay đưa đến chiến tranh thế chiến. ”Tôi chỉ đồng ý hoà bình nếu anh chấp nhận hoà bình theo theo cách của tôi”. Cả hai đều hô hào hoà bình theo cách của mình, thế là chiến tranh xuất hiện.
Từ sự sợ hãi những thế lực thiên nhiên, con người đặt ra tôn giáo, Thần linh, Thượng đế để bảo vệ mình. Nhưng không biết từ khi nào, thay vì để chúng bảo vệ mình, con người với sự cuồng tín, kiến chấp, lại bằng mọi cách gây khổ cho chính mình, cho đồng loại, bằng cách đánh nhau, giam giữ nhau, tàn sát nhau để bảo vệ, truyền bá những tôn giáo, những Thần linh, những Thượng đế do mình lập nên, do mình tôn thờ; và tiêu diệt những thần linh, thượng đế, tín đồ các tôn giáo khác khi họ không cùng tín ngưỡng với mình.
Là một vị vua, đạt được đỉnh cao về quyền lực chính trị và kinh tế, Đức Phật nắm rõ về hệ quả của nó. Đã từng là tín đồ của Bà-la-môn giáo, Đức Phật biết chính xác về niềm tin với Thượng đế Phạm thiên với những tà kiến của các tôn giáo (Trường Bộ_Kinh:  Phạm võng, Sa Môn quả). Đã từng là một hành giả khổ hạnh,  Đức Phật hiểu rõ sự sai lầm do tu khổ hạnh để tìm giải thoát. (Trung Bộ: Kinh Thánh Cầu, Kinh Đại sư tử hống)
Sau khi thành đạo, từ những kinh nghiệm tu chứng của chính mình, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta con đường trung đạo là nguyên lý đưa đến giải thoát  không còn lệ thuộc vào đau khổ sợ hãi của kiếp người. Con đường trung đạo đó chính là nguyên lý Giới, Định và Tuệ. Ở đây, chúng tôi xin nhắc lại giới, định và tuệ là nguyên lý chứ không phải là phương pháp.
Tại sao Giới, Định và Tuệ là nguyên lý mà không phải là phương pháp? Nếu không hiểu rõ sự khác nhau giữa nguyên lý và phương pháp tu học trong Phật giáo thì sẽ dễ dàng đưa đến những ngộ nhận, hành động sai lầm đáng tiếc trong việc học và tu tập. Tất nhiên, sự tu học sai nguyên lý sẽ đưa đến những kết quả ngoài Phật giáo.
Theo giáo lý về nghiệp của Phật giáo thì có ba loại nghiệp; thiện, ác và bất động. Thiện nghiệp là hành động đưa đến cõi người và trời. Ác nghiệp là hành động đưa đến địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Bất động nghiệp là hành động đưa đến Sắc giới và Vô sắc giới. Khi một chúng sinh hành động theo loại nghiệp nào thì nó đang sống theo bản năng của chúng sinh của cõi ấy và đang đi trên con đường đến cõi ấy.
Để bảo vệ và định hướng tốt cho bản năng con người hướng theo nghiệp thiện mà biểu hiện là hành động và lời nói thường có chiều hướng theo sự dẫn dắt của tham sân si đưa đến ba cõi ác, Đức Phật giảng dạy giới (sìla: bảo vệ, thường) gồm có nhiều điều học (sikkha_pàda_ví dụ không sát hại sinh vật) là những điều cần phải học và vận dụng ứng xử tuỳ theo cấp độ tu tập, trình độ hiểu biết, hoàn cảnh, mục đích để chúng bảo vệ chúng ta có cuộc sống bình thường, ổn định của loài người hay chư thiên, không gây đau khổ và sợ hãi cho chính mình, tha nhân, loài khác. Nghiệp và kết quả của nghiệp là tiến trình nhân quả trên hệ quả làm viẹc thiện đưa đến quả vui, làm việc ác đưa đến quả khổ. Nhưng đau khổ hay an vui không phải là thiện ác mà là cơ hội để làm thiện hay ác để tiếp tục nhận kết quả an lạc hay đau khổ. Như thế Giới luật là những điều cần phải học, phải tìm hiểu, áp dụng vào đời sống bằng trí tuệ hiểu biết nếu ta muốn có hạnh phúc, không có đau khổ sợ hãi chứ không phải là những điều bắt buộc chúng ta phải làm dựa trên lòng tin như những giáo điều của tôn giáo khác chỉ làm không cần hiểu.
Ngoài lời nói và hành động, bản năng con người còn có suy nghĩ, ý chí. Suy nghĩ là phạm trù mà con người không thể kiểm soát theo ý muốn của mình được.Không những trái tim có tiếng nói riêng của nó, mà suy nghĩ, ước muốn cũng không hề trung thành theo ý muốn của chúng ta. Khi ý nghĩ không được định hướng thì chúng ta không thể tiến đến mục đích mà mình đã chọn. Như tấm kính lúp hội tụ ánh sáng mặt trời trên bề mặt nhỏ của nó thì có thể đốt cháy một vật để ở dưới nó; căn nhà được đóng kín các cửa thì máy điều hoà mới làm mát mẻ cho những người ở trong nhà. Cũng vậy, Đức Phật dạy thiền định samadhi (thiền chỉ) để tâm ý được tập trung, làm cho thân tâm quân bình, không bị phiền não chi phối, đạt được an lạc nhờ không bị chi phối bởi đối tượng của các giác quan (ly dục, bất thiện pháp sinh hỷ lạc)
Nếu dừng ở hạnh phúc do kiểm soát thân, miệng và ý thì kết quả mà Phật giáo muốn đạt được như nói ở trên cũng không khác gì mục đích tốt đẹp của những nền khoa học, kinh tế, chính trị, tôn giáo khác. Giới luật ở mặt nào đó cũng như luật pháp, kinh tế, chính trị đem lại ổn định, tạo hạnh phúc cho người dân. Sự cầu nguyện, tu dưỡng, tịnh tâm của các tôn giáo khác vẫn đem lại an lạc do sự quân bình thâm tâm.Và chúng ta có thể nói, luật pháp nào, đạo nào cũng tốt và đều dạy người làm lành lánh dữ để đem lại đời sống bình an.
Nhưng, ngoài bản năng hoạt động theo thân, miệng, ý ra, loài người chúng ta còn có cái bản ngã. Cái bản ngã này được hình thành, phát triển từ những khái niệm do kiến thức, dân tộc, quốc gia, giới tính, tuổi tác, kinh nghiệm, địa vị, quyền lực, tài sản, văn minh, văn hoá, quan điểm ý thức hệ, chính trị, niềm tin vào cá nhân, vào tôn giáo tạo nên. Bản ngã này vô hình vô tướng, không ai giống ai, không trường hợp nào giống nhau, không một tiêu chuẩn nào để xác định nó là tốt hay xấu cả nên không thể chỉ dùng giới luật hay thiền định mà tiêu diệt được nó. Nhưng, bản ngã chính là nguyên nhân tạo ra sự cuồng tín, ý thức hệ, phân biệt chủng tộc, gây ra chiến tranh, mâu thuẫn , đau khổ và sợ hãi cho con người.Theo cái nhìn của Phật giáo, chính ảo tưởng về bản ngã tạo ra đau khổ, sợ hãi, luân hồi sinh tử.
Khi chúng ta tiếp cận với sợi dây mà thấy là con rắn thì đau khổ và sợ hãi phát sinh. Trong nỗi đau khổ sợ hãi ấy, thông thường chúng ta xử lý bằng nhiều biện pháp như chạy trốn, quên lãng, hay chống lại. Dù chúng ta cố gắng chạy trốn vào các cuộc truy hoan, ca nhạc v.v…thì không thể nào chạy trốn đau khổ và sợ hãi vì chúng ở ngay trong tâm trí chúng ta. Khi chúng ta cố gắng quên lãng đau khổ bằng cách hành hạ thân xác, cầu nguyện thần linh, quên mình vào sự hy sinh cho tôn giáo với lòng sùng kính mà không cần hiểu biết thì sau đó chúng ta càng ray rức đau khổ hơn khi không đạt kết quả mong muốn.  Khi chúng ta cố gắng chống lại đau khổ thì chúng ta lại càng mệt mỏi, đau khổ hơn vì thật vô ích khi chống lại những ảo giác do chính tâm ta dựng lên. Những biện pháp ấy không thể giải quyết triệt để nỗi sợ hãi, đau khổ của ta vì chúng chỉ tập trung giải quyết con rắn bên ngoài; buồn cười thay con rắn thật sự lại là sợi dây. Do đó, ta sợ hãi và đau khổ vì hình ảnh con rắn trong tâm ý của ta, chứ không phải vì sợi dây bên ngoài.     
Trong khi các quan điểm chính trị, loay hoay giải quyết nỗi đau khổ và sợ hãi từ những khái niệm do bản ngã dựng lên bằng những đạo luật, hiến pháp, luật pháp. Các tôn giáo khác, các học thuyết khác bằng cách khổ hạnh, cầu nguyện, định tâm để đối trị, tiêu diệt những khái niệm từ hình ảnh của đối tượng sáu giác quan thì Đức Phật dạy chúng ta phải bằng chánh niệm tỉnh giác đối diện trực tiếp với đau khổ sợ hãi để thấy rõ sự thật của chúng chỉ là những ảo giác (khổ khổ, hành khổ và hoại khổ) do bản ngã dựng lên từ bóng dáng của đối tượng sáu giác quan. Nói cách khác, đau khổ sợ hãi chỉ là kết quả của tưởng uẩn đi với vô minh, phiền não hay sự chấp thủ vào năm uẩn. Bằng cách học và thực hành thiền quán Vipassana, chúng ta có trí tuệ thấy rõ thực tại (pháp) về các giác quan cùng với đối tượng của chúng chỉ là danh và sắc hoạt động theo ba trạng thái vô thường, khổ, vô ngã thì những khái niệm do tưởng (sanna) phát sinh không thể nào tạo ra đau khổ và sợ hãi. Khi đã thấy được thực tại của năm uẩn bằng trí tuệ thì những đau khổ và sợ hãi từ những khái niệm do ảo tưởng về bản ngã tự nhiên biến mất. Khi ta thấy đúng thật tại, trả sợi dây về cho sợi dây thì những đau khổ và sợ hãi do ảo tưởng về con rắn tự nhiên không còn lý do nào tồn tại nên ta cũng chẳng cần phải mất công tiêu diệt nó.
Giới để bảo vệ cho hành động, lời nói được tốt đẹp theo đúng đạo đức văn hóa của loài người và chư thiên; Định để phát triển ý chí làm cho thân và tâm được quân bình; Tuệ để thấy rõ ảo tưởng về bản ngã là không thật. Ba nguyên lý này chỉ bổ sung, hổ trợ cho nhau chứ không thể thay thế nhau được. Anh có thể đọc và hiểu nhiều về sự tai hại của rượu hay ma túy, nhưng nếu anh không có ý chí từ bỏ chúng thì anh vẫn nghiện thuốc. Trước đây, có thể anh không dùng rượu hay ma túy nhưng ngày nào đó, gặp dịp anh sẽ dùng chúng nếu không hiểu rõ về sự nguy hại của chúng. Không dùng rượu, ma túy là giới. Không bị chúng cám dỗ là định. Kinh nghiệm hiểu rõ sự thật về sự nguy hại của chúng là tuệ.
Từ ba nguyên lý này, ngay khi Đức Phật còn tại thế cho đến ngày nay, khắp nơi trên hành tinh này, các đệ tử của Đức Phật đã tuỳ theo căn cơ, hoàn cảnh, điều kiện mà vận dụng ra nhiều pháp môn tu tập khác nhau như thiền định, thiền quán, trì chú, niệm Phật, hay sáu ba-la-mật, mười ba-la-mật để tự tu tập, giới thiệu và hướng dẫn người khác. Do đó, chúng ta cần ghi nhận là những pháp môn tu tập trong các truyền thống Phật giáo khác nhau tùy theo căn cơ, hòan cảnh không hề đúng hay sai mà đúng hay sai là ở chổ pháp môn ấy có vận dụng theo đúng ba nguyên lý giới, định và tuệ hay không.
Như vậy, dù trong thời đại nào, ở đất nước nào, với nguyên lý Giới Định Tuệ, Phật giáo luôn có thể ngồi bên cạnh, lắng nghe, đồng hành với khoa học, kinh tế, chính trị, tôn giáo khác mà vẫn giữ bản chất của mình, với tinh thần tuỳ duyên bất biến, hoà nhập không hoà tan, đổi mới nhưng không đổi màu.
Khi các nghiên cứu khoa học còn ở giai đoạn bắt đầu, Phật giáo đã dạy về vô số thế giới ngoài hành tinh này; hành tinh chúng ta chỉ như hạt bụi nhỏ trong vũ trụ; vật chất được cấu thành bởi 4 yếu tố cứng mềm chiếm lĩnh, liên kết, nhiệt độ và hoạt động ( địa, thuỷ, hoả, phong), 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới; trong một giọt nước có cả một thế giới sinh vật v.v… Khi khoa học phát triển, các tôn giáo dựa trên thần quyền từ từ lui vào bóng tối thì ánh sáng trí tuệ  của Phật giáo càng rực rỡ và làm cho khoa học càng phát triển chói sáng nhờ ánh sáng trí tuệ, từ bi của  Phật giáo dẫn dắt để không đưa đến những mâu thuẫn của chính mình và huỷ diệt đời sống của hành tinh này. Đây là đặc điểm tùy duyên thứ nhất của Phật giáo.
Ân quốc gia là một trong bốn ân lớn mà người Phật tử phải luôn ghi nhớ và báo đáp. Là một người Phật tử tốt, người ấy phải là công dân tốt. Đối với  quan điểm chính trị, Đức Phật tư vấn với nhà cầm quyền với tư cách là một bậc đạo sư. Được hỏi ý kiến về việc chinh phạt Dân Bạt Kỳ của vua A Xà Thế,  đức Phật không trả lời trực tiếp mà hỏi tôn giả A nan về sinh hoạt của nhân dân Bạt Kỳ. Nghe như thế, vua A Xà Thế biêt mình phải làm gì. (kinh Đại bát niết bàn_ Trường bộ kinh). Trong kinh Thập vương, Đức Phật còn đưa ra 10 tư cách của nhà cầm quyền. Trong nhiều kinh khác, Đức Phật luôn dạy bảo các vị vua thời bấy giờ làm cho dân giàu nước mạnh. Như vậy, Phật giáo vẫn có thể chia sẻ được với các quan điểm chính trị bằng vị trí đạo sư của mình. Lịch sử Việt Nam đã có các nhà sư  đã tư vấn cho các vua dựng nước và giữ nước. Đây là đặc điểm tùy duyên thứ hai của Phật giáo.
Tuy không chủ trương sinh lên cõi trời, nhưng trong bối cảnh của Ấn Độ, để đáp ứng nhu cầu của quần chúng đương thời,  Đức Phật dạy làm mười điều thiện để sinh thiên. Niệm thiên là một trong sáu pháp niệm căn bản của Phật giáo. Trong các kinh, trong các hoạ tượng, điêu khắc Phật giáo, hình tượng Phạm thiên và Đế thích _ những Thượng đế của Bà-la-môn giáo, luôn là những vị hộ pháp, thân cận Đức Phật. Khi Phật giáo truyền qua Trung quốc và Việt nam, đã phát sinh thuyết tam giáo đồng nguyên. Vì vậy, trong việc truyền tải giáo lý Phật giáo trong vùng Đông Nam Á đã có mang màu sắc của đạo Nho và Lão trang.Đây là đặc điểm tùy duyên thứ ba.
Với ba đặc điểm tùy duyên này, Phật giáo có thể đồng hành với khoa học, kinh tế,chính trị, các tôn giáo khác trong mọi thời đại, mọi nơi để thực hiện nhiệm vụ cứu khổ của mình.
Tuy nhiên, để làm được nhiệm vụ cứu khổ trong thời đại hiện nay, Phật giáo phải thực hiện đồng bộ nhiều lĩnh vực. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu năm lãnh vực hoạt động nổi bật của Phật giáo là Tín ngưỡng, nghiên cứu, tu tập, xã hội, nghệ thuật, với những trở ngại, thách thức mà những người Phật giáo cần thấy rõ và biết phải làm gì.
1.Tín ngưỡng:
Tôn giáo theo ý nghĩa của từ religion ( nguyên ngữ Latin: Religio) của Phương tây có nghĩa ; ‘Tất cả những tông chỉ và giáo điều quy định sự liên hệ giữa con người với Thượng đế” , thông thường với ba đặc điểm:
Một, đấng thần linh tối cao
Hai, Giáo điều và tín điều,
Ba, mặc khải hay người mở đạo.
Tuy Phật giáo không hề có ba ý nghĩa này nhưng ngay khi Đức Phật còn tại thế, người Phật tử đã lấy Đức Phật làm đối tượng để niệm đến mong được bình an (kinh Trung Bộ). Niệm  Phật là một trong sáu đề tài tu tập. Quy y Tam bảo, người Phật tử biểu hiện sự tôn kính bằng cách lễ bái, cúng dường trước Đức Phật, chư Tăng, tháp thờ Phật, cây Bồ đề, tượng Phật,                                     tụng kinh, cúng dường chư tăng cũng là hình thức tín ngưỡng. Hiện nay, chùa tháp, tượng Phật đã có khắp nơi, chùa vừa là trung tâm văn hoá vừa là nơi để người Phật tử lễ bái, cúng dường, gửi gắm lòng tin, cầu mong sự bình an, hạnh phúc trong đời sống. Tuy nhiên, những sinh hoạt tín ngưỡng ấy nếu không được hướng dẫn bằng chánh pháp thì chúng sẽ trở thành mê tín, hay chỉ như là những sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tôn thờ thần thánh.Tín ngưỡng  phiếm diện đó, bằng những tà kiến, hoàn toàn xa lạ với chánh Pháp Giới Định Tuệ, với Bát thánh đạo, không được kiểm soát cân bằng với năm yếu tố Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ (panca Inriya _ ngũ căn) và tất nhiên không thể đưa đến kết quả an lạc giải thoát theo giáo lý Phật giáo.
2. Nghiên cứu:
Hiện nay, về hình thức, Phật giáo đã có nhiều trường Phật học từ sơ cấp đến đại học (ở Việt nam) và cao học (ở các nước). Tăng sĩ và cư sĩ Phật giáo đã có đủ trình độ, kể cả tiến sĩ Phật học. Riêng tại Việt nam, chúng ta thử nhìn lại tình trạng giáo duc ở các trường Phật học. Giáo trình và giáo án chưa thống nhất, mỗi trường ảnh hưởng theo truyền thống nào thì giảng dạy giáo lý Phật giáo theo truyền thống đó, theo quan điểm của giảng viên mà chưa đặt trọng tâm giảng dạy trên lĩnh vực nghiên cứu Phật học. Từ đó, đưa đến tình trạng phổ biến kiến thức Phật học một chiều, cùng một đề tài giáo pháp nhưng mỗi giảng viên dạy khác nhau, làm cho ngay giữa nhũng người Phật giáo với nhau vẫn xa lạ với nhau, không thể thật sự ngồi lại với nhau vì khác nhau về sắc áo, hình thức sinh hoạt, nghi lễ, quan điểm riêng của từng truyền thống mà không thấy được cái chung nhất, cái đẹp của sự tuỳ duyên của Phật giáo. Giáo pháp căn bản chỉ là một nhưng tuỳ theo hoàn cảnh, thời gian, căn cơ  mà người phật giáo đã vận dụng để truyền bá. Nếu không có kiến thức do sự nghiên cứu Phật học nghiêm túc thì chính những dị biệt do sự vận dụng ấy sẽ chia rẽ người Phật giáo với nhau, nói gì đến có thể đồng hành với người ngoài Phật giáo. Người Phật giáo nói chung, đội ngũ làm công tác giảng dạy, giáo dục nói riêng có chịu can đảm nhìn lại kiến thức Phật học của mình, đó là kiến thức theo truyền thống, quan điểm các nhân hay kiến thức căn bản Phật giáo từ sự nghiên cứu Phật học một cách nghiêm túc. Khi chúng ta giới thiệu kiến thức Phật giáo cho học viên, kiến thức đó có đúng với Phật học không hay là do những kiến thức theo truyền thống, những suy luận theo tư duy chủ quan của mình.
Người nghiên cứu Phật học nếu không biết Sanscrit, Pàli, Hán ngữ, Tạng ngữ, Anh ngữ; không nghiên cứu nghiêm túc giáo lý cả hai truyền thống Nguyên thủy và Phát triển mà chỉ căn cứ vào vài tác phẩm Phật học Việt ngữ theo quan điểm truyền thống hay cá nhân nào đó thì thật khó mà nắm bắt được giáo lý căn bản của Phật giáo chưa nói là hiểu không đúng, đến tư duy, giảng dạy, tu tập sai lầm, tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa những người con Phật. Do đó, nhu cầu cực kỳ quan trọng trong công tác nghiên cứu Phật giáo hiện nay là ít ra người học Phật cũng phải hiểu biết những ý nghĩa nội hàm của từ ngữ Phật học qua Sanscrit hay Pali mà không chỉ hiểu theo nghĩa Hán ngữ hay Việt ngữ. English là một ngôn ngữ mới giúp chúng ta rất nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo nhờ sự nghiên cứu, viết và dịch thuật các tác phẩm Phật giáo một cách nghiêm túc của các học giả và hành giả Âu Mỹ. Đồng thời, chúng ta cần nghiên cứu, hiểu biết, dung hội cả hai truyền thống Nguyên thủy và Phát triển làm cơ sở cho sự tu tập. Đây là thách thức lớn cho những người làm công tác giáo duc Phật giáo Việt nam.
3. Tu tập:
Trí tuệ theo Phật giáo không chỉ là kiến thức mà là tri kiến về giáo pháp được thể nghiệm, được hình thành từ đạo đức, văn tuệ, tư tệ, tu tuệ. Văn tuệ là trí tuệ do kết quả học hiểu giáo pháp, Tư tuệ là trí tuệ do kết quả thực hành giới luật, thiền đinh. Tu tuệ là trí tuệ do kết quả thực hành thiền quán. Như thế, nếu người Phật giáo không chỉ dừng ở kiến thức văn bằng Phật học như các sinh viên, các nhà nghiên cứu, các học giả thì sự tu tập để thấy pháp là việc không thể thiếu. Phật giáo xuất hiện do sự chứng ngộ của Đức Phật, phát triển, truyền bá khắp nơi đến ngày nay là do sự tu chứng của các thế hệ phật tử kế tiếp. Nếu không có sự tu chứng về mặt tâm linh thì Phật giáo chỉ là một hình thức tín ngưỡng, một triết thuyết, không đủ sức sống để tự nuôi mình, nói gì đến việc làm đạo sư cho thế gian, cứu khổ cho thế gian. Hiện nay, những nước Phật giáo như Myanmar, Thailand, Tích lan, Nhật Bản và một số các nước Âu Mỹ có các trung tâm thiền hướng dẫn tu tập. Các trung tâm thiền nhiều hơn các trường dạy kiến thức Phật học. Hiện nay, hằng năm, các tổ chức Phật giáo ở Châu Âu, Mỹ và Úc đã có tổ chức những khóa tu học Phật pháp cho người Việt tại hải ngoại. Tại Việt nam, so với số lương đông đảo chùa chiền thì tu viện tu tập gần như hiếm hoi. Có một vài thiền viện tu tập theo Tổ sư thiền, thiền an lạc, hay Pháp môn Tịnh độ thì vẫn là theo sự tu tập tự phát của một nhóm cá biệt theo tư duy cá nhân, không có truyền thống rõ ràng, chưa thể đại diện cho sự tu tập theo Phật giáo nói chung, Việt nam nói riêng… Đây là điều người Phật giáo phải suy nghĩ.
Ngoài phải thực hiện tốt ba lĩnh vực trên, để thực hiện nhiệm vụ từ bi cứu khổ của mình, Phật giáo con phải đi vào hai lĩnh vực nữa là xã hội và nghệ thuật.
4. Xã hội:
Người Phật giáo không chỉ biết tự tu cho mình mà còn phải quan tâm đến những vấn đề xã hội, Cụ thể là tổ chức những trường học theo nhiều cấp, giáo dục về Đức dục bên cạnh giáo dục Trí dục và Thể dục; Bệnh viện, nhà trẻ, nhà dưỡng lão, cứu trợ, công tác từ thiện, lễ hội Phật giáo vv … nói chung bằng nhiều phương tiện Phật giáo đẩy mạnh vai trò đạo sư của mình, đem ánh từ bi trí tuệ vào cuộc đời, soi sáng cuộc đời, đem giáo Pháp đến cho tất cả mọi người trong hòan cảnh và khả năng của mình.
5. Nghệ thuật:
Từ cái nhìn cuộc đời bằng trí tuệ và từ bi, Phật giáo đã  thể hiện tư duy ấy qua nghệ thuật kiến trúc chùa tháp, điêu khắc, hội hoạ, cắm hoa, trà đạo, âm nhạc, thư pháp, vv.. Vấn đề là những nghệ thuật ấy phải thể hiện được tinh thần vô ngã của Phật giáo với từ bi, trí tuệ, giải thoát, giác ngộ chứ không phải là sự biểu hiện theo xu hướng model hay bản ngã của người nghệ nhân. Người Phật giáo nghĩ gì về lĩnh vực này?
Kết:
Mục đích của khoa học là khám phá thiên nhiên để thoả mãn sự hiểu biết, hiểu biết để khám phá và khoa học không có điểm dừng. Trong quá trình khám phá đó, loài người vừa được thu hưởng những thành thành tựu của khoa học vừa là nạn nhân của những thành tựu khoa học ấy mà không có lối thoát.
Mục đích của kinh tế là thoả mãn nhu cầu của sáu giác quan. Nhưng nhu cầu lại do dục vọng của bản năng sai khiến, không bao giờ dừng. Với những gì chúng ta ưa thích mà bị mất thì sinh ra hoại khổ, Với những gì ta không thích mà vẫn có với ta thì sinh ra khổ khổ. Tâm ý lăng xăng mãi đi tìm hạnh phúc cảm giác theo khái niệm thì sinh ra hành khổ.
Chính trị là để đem lại ổn định cho đất nước, nhưng lại tuỳ thuộc vào những khái niệm theo quan điểm, thế lực của nhà cầm quyền. Do đó, sự mâu thuẫn luôn luôn phát sinh giữa nhân dân và chính quyền. Giữa chính quyền này và chính quyền khác lại mâu thuẫn nhau. Nhà tù xuất hiện.
Tôn giáo do con người dựng lên để phục vụ, bảo vệ con người, nhưng chính do thiếu hiểu biết hay cuồng tín mà con người lại bắt con người làm nô lệ cho tôn giáo. Khi ta tin rằng tôn giáo của ta là chính đạo thì có nghĩa là các tôn giáo khác là tà đạo. Khi ta tôn thờ Thượng đế của ta, ai tôn thờ Thượng đế khác có nghĩa là dị giáo và ta có nhiệm vụ thiêng liêng là bắt họ phải theo hay xử lý họ.
Khác với các tôn giáo khác lấy Thượng đế là trung tâm thì Phật giáo lấy Pháp là trung tâm.Các tôn giáo khác tin rằng chúng ta được cứu rỗi được hay không tuỳ thuộc vào lòng tin vào giáo lý siêu hình hay Thượng đế thì Phật giáo lại cho rằng sự hạnh phúc, giác ngộ, giải thoát tuỳ thuộc vào chúng ta có hiểu biết về pháp_ quy luật tự nhiên_ hay không. Đức Phật tuyên bố: ”Ai thấy được lý duyên khởi thì người ấy thấy pháp, ai thấy pháp thì thấy lý duyên khởi” (Trung bộ kinh _kinh 28, trang 192_HT Minh Châu dịch); “Nếu thấy Pháp là thấy Ta, thấy Ta là thấy Pháp. Vì thấy pháp nên thấy Ta, thấy Ta nên thấy pháp.”(Vinaya iii, 120)
Pháp là thực tại đang vận hành theo quy luật của nó, có hai lĩnh vực là sự thật do khái niệm, do quy ước (pannatti sacca) và sự thật của chính nó (paramattha sacca). Thấy được sự thật của khái niệm, quy ước, người Phật giáo có thể ngồi chung, lắng nghe, đồng hành với  kinh tế, chính trị. Thấy được thật tại và sự vận hành của pháp, người Phật giáo có thể ngồi chung, lắng nghe, đồng hành với khoa học, tôn giáo. Vấn đề là, người Phật giáo cần phải biết rõ trong qua trình ngồi chung, đồng hành đó, làm thế nào để tuỳ duyên mà vẫn bất biến, hoà nhập mà không hoà tan. Sau một quá trình đồng hành, có thể khoa học, kinh tế,chính trị, tôn giáo khác đã đến đích của họ, nhưng người Phật giáo làm thế nào vẫn “ưng vô sở trụ” tiếp tục đi trên con đường cứu khổ để đạt đến mục đích giải thoát của mình như lời Đức Phật dạy “khác thay đường thế lợi, khác thay hướng Niết bàn, Tỳ kheo đệ tử Phật, Phải như vậy tư lường” (Pháp cú 75)
Đã có được ba đặc điểm tùy duyên,  người Phật giáo phải suy nghĩ làm thế nào để hội nhập với kinh tế, chính trị, khoa học và tôn giáo bằng chánh pháp trong thế giới hiện đại; lập trình cho năm lĩnh vực hoạt động nổi bật của Phật giáo là tín ngưỡng, nghiên cứu, tu tập, xã hội, nghệ thuật, vượt qua những trở ngại, thách thức với nhiệm vụ đạo sư của mình và thực hiện mục đích cứu khổ bằng năng lực từ bi, trí tuệ giữa thế gian trong thời đại mới này.  

                                                    Tâm Hạnh
Jetavana Monastery,
45564 Fourth street,
Big Bear City, CA 92314
Email: tamhanh2001@yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét