Thứ Ba, 5 tháng 11, 2019

THIỀN SƯ PA-AUK, THẬT & GIẢ. (Pháp Quang)

Nói đến “Pa-Auk” thì hầu hết người học Phật hệ phái ‘Theravada', nhất là những người ái mộ về thiền đều biết khá rõ. Dòng thiền “Pa-Auk” hay nói cách khác là phương pháp thiền theo Bộ Chú Giải 'Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo)' do ngài Pa-Auk Sayadaw, Tôn Giả Āciṇṇa, chủ trương phát triển nhằm giữ gìn đầy đủ hệ thống pháp hành được xem là “độc nhất” hiện nay theo đúng với Tam Tạng Pali.
Từ năm 2008 cho đến nay, hơn 11 năm du nhập vào Việt Nam, dòng thiền này đã trở nên chói sáng, nổi tiếng và ngày càng được nhiều người Việt biết đến và tu học.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là:
"Cho đến nay, liệu có vị tu sĩ Việt nào, tỳ khưu hoặc tu nữ, đã hoàn tất khóa học tại Pa-Auk? Hoặc chính thức được thiền viện Pa-Auk công nhận là thiền sư, để có thể giảng dạy dòng thiền này tại Việt Nam ?”

Để làm rõ vấn đề trên, trước hết, chúng ta phải biết được những tiêu chuẩn nào để một vị thiền sư của dòng thiền Pa-Auk được chính thức công nhận?
Theo thông tin ghi nhận từ thiền viện Pa-Auk, để được công nhận là một thiền sư chính thống, vị ấy phải hội đủ các yếu tố sau:
1. Vị ấy phải hoàn tất khóa thiền Định (Samatha) và Minh Sát (Vipassana) dưới sự chỉ dẫn của ngài Pa-Auk Sayadaw.
2. Sau khi hoàn tất khóa thiền, nếu vị ấy chưa có được chứng chỉ Pháp Học từ trước, vị đó phải tiếp tục theo học Pháp Học Pariyatti- Pali, Vinaya-Luật, Nikaya- Kinh, và Thắng Pháp (Abhidhamma)…Đây là lý do vì sao tất cả thiền sư chính thống dòng thiền Pa-Auk đều phải có chứng chỉ Pháp Học ‘Dhammacariya’, hoặc ‘Abhivamsa’, hoặc Nhị Tạng, hoặc Nhất Tạng…Bằng không thì vị ấy phải hoàn tất tất cả các khóa học & những kì thi về Pháp Học tại Trung Tâm Pa-Auk. Chứng chỉ được cấp sẽ tương đương với Dhammacariya.
3. Sau khi hoàn tất Pháp Học, vị ấy phải trải qua một khóa thiền nữa để kiểm tra Pháp Hành dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của ngài Pa-Auk Sayadaw.
4. Sau khi đạt được những tiêu chuẩn trên, vị ấy sẽ được cân nhắc dựa trên “phẩm chất cá nhân” để chính thức trở thành thiền sư.
Đây là bốn "tiêu chuẩn vàng" mà ngài Pa-Auk Sayadaw đưa ra để chọn lựa những vị thiền sư xứng đáng. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đào tạo thiền sư lại là vấn đế nhức nhối và nan giải tại Pa-Auk. Bởi số lượng thiền sư chính thống có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này ngày càng khan hiếm đi, trong khi, số lượng thiền sinh trong và ngoài nước ngày càng tăng vọt.
Riêng đối với những thiền sư ngoại quốc hiện nay (không phải người Miến) được chính thức công nhận chỉ có :
- Một vị tỳ khưu Trung Quốc
- Một vị tỳ khưu Malaysia
- Hai vị tỳ khưu Indonesia ( Hai vị này vẫn đang tiếp tục Pháp Học Pariyatti bằng tiếng Miến)
*** Còn đối với VIỆT NAM, các ngài có nói rõ là “CHƯA CÓ AI ĐƯỢC CÔNG NHẬN HOẶC CẤP PHÉP DẠY THIỀN”.
Nếu có chỉ là “MẠO DANH PA-AUK”.
Thật sự ra, ngài Pa-Auk Sayadaw không cản trở về việc dạy pháp hoặc dạy thiền của bất cứ ai. Tuy nhiên, việc mượn danh nghĩa“Pa-Auk” để đánh bóng tên tuổi vì lợi dưỡng bản thân là một hành động phi pháp và lừa phỉnh.
Các vị có thể tuyên bố về “sự giác ngộ cá nhân" của mình để đựơc làm thiền sư nhưng đừng đem uy tính của một cộng đồng Chư Tăng chân chính và trong sạch để làm bàn đạp cho sự thấp hèn ấy!
“Lừa đảo, siểm nịnh (hư đàm), hiện tướng (gợi ý), gièm pha, lấy lợi cầu lợi. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập.”(VIII.Vị Trưởng Lão / Tăng Chi Bộ)
"Người nào không phải là một vị A La Hán mà mạo nhận, tự xưng mình là A La Hán, là kẻ trộm của toàn thể vũ trụ , người ấy là hạng cùng đinh thấp hèn nhất." (Kinh Cùng Đinh/ Tăng Chi Bộ)
“ Phạm hạnh được sống, này các Tỷ-kheo, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đính mơn trớn quần chúng, không vì mục đích được lợi ích về lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, không vì mục đích được lợi ích thoát khỏi lời phê bình bàn tán, không với ý nghĩ: "Mong quần chúng biết Ta như vậy". Và này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh này được sống với mục đích được chế ngự, với mục đích đoạn tận, với mục đích ly tham, với mục đích đoạn diệt.”(Kinh Phạm Hạnh.V .25 / Tăng Chi Bộ).
PQ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét